Chính phủ đề xuất tăng mức phạt tiền nhiều lĩnh vực

Sáng 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đáng chú ý là lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực.

Tăng mức phạt 10 lĩnh vực

Trình bày tờ trình của dự luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe, do đó cần thiết phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ đề nghị sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa (sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính) tại 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của sáu lĩnh vực và sửa đổi tên của bảy lĩnh vực.

Cụ thể, 10 lĩnh vực tăng mức phạt tiền tối đa là: Giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu lên 75 triệu đồng. Lĩnh vực cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu lên 75 triệu đồng. Lĩnh vực điện lực từ 50 triệu lên 100 triệu đồng. Lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu lên 500 triệu đồng...

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của sáu lĩnh vực: Tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng)...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo luật. Ảnh: TTXVN

Cần làm rõ thêm căn cứ

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay là cơ quan này nhận thấy các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực.

Theo Ủy ban Pháp luật, báo cáo tổng kết thi hành luật không đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa. Một số trường hợp xử phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) mà dư luận phản ánh trong thời gian qua không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp.

“Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực. Chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó” - ông Tùng nói.

Đại diện cơ quan thẩm tra cũng cho biết một số ý kiến nhất trí việc tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực như dự thảo luật. Tuy nhiên, ý kiến này đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc xử phạt trong thời gian qua về mức phạt, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả... để làm căn cứ tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực.

Phạt nặng để răn đe

Góp ý cho dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Vũ Hồng Thanh cho hay qua thực tế giám sát công tác quy hoạch, mặc dù mức phạt cao nhưng cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, chưa xử phạt mức tối đa.

Ông Thanh nói: “Luật quy định ngoài xử phạt thì có thêm việc tháo dỡ công trình sai phạm, vượt tầng, nếu làm nghiêm thì đâu có các trường hợp chung cư HH Linh Đàm, tòa nhà 8B Lê Trực. Nếu các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm, chắc không đến mức sai phạm nhiều như thế trong thời gian qua”.

Dẫn chứng dư luận và thực tế từ việc xử phạt nặng hành vi uống rượu, bia khi lái xe theo Nghị định 100/2019, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay việc xử phạt nặng như vậy đảm bảo tính răn đe, được người dân chấp hành nghiêm. “Cử tri mong muốn việc xử lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng đạt mức cao như vậy, có thể rút giấy phép kinh doanh, còn nếu chỉ phạt 200 triệu đồng như đề xuất thì quá thấp, không đảm bảo tính răn đe” - bà Hải nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu bài học kinh nghiệm trong việc triển khai Nghị định 100 và cho rằng mức phạt này giúp người vi phạm chấp hành pháp luật nghiêm hơn.

“Nâng ly lên là nghĩ tới mức phạt tối đa lên đến 40 triệu đồng, tịch thu bằng lái 23 tháng thì phần lớn lại đặt ly xuống hết” - ông nói. Theo đó, phó chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc phạt mạnh tay trong nhiều lĩnh vực để đảm bảo răn đe, tuy nhiên ông Hiển đề nghị đưa vào khoản riêng cho rõ.

Ông cũng đề nghị đối với các vi phạm ở lĩnh vực như môi trường, quyền con người, bình đẳng giới, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em… mà chưa đến mức xử lý hình sự, chỉ xử lý hành chính thì cần phải phạt nặng.

Tán thành với việc phạt nặng để đảm bảo tính răn đe, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh nếu không muốn ảnh hưởng đến thu nhập thì đừng vi phạm.

“Nhất trí tăng mức phạt tiền tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn để răn đe, ngăn chặn, tuy nhiên phải làm rõ thực tiễn, đồng thời xem xét một số lĩnh vực như vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm có cấp bách để phạt tiền tối đa không. Hay việc bổ sung đối tượng được quyền xử phạt cũng cần phải được làm rõ” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Làm rõ mức phạt trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng

Ủy ban Pháp luật tán thành bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng, đối ngoại là 30 triệu đồng; đồng tình mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là 250 triệu đồng để thống nhất với Luật Sở hữu trí tuệ.

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành bổ sung lĩnh vực an toàn thông tin mạng để thống nhất với Luật An toàn thông tin mạng, tuy nhiên đề nghị giải trình rõ hơn về căn cứ quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này là 100 triệu đồng.

Đối với lĩnh vực in và cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ phạm vi của hai lĩnh vực này để không chồng chéo với các lĩnh vực khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm