Chính phủ cần giải thích về việc tăng giá điện

Sáng 8-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nghe Chính phủ báo cáo, đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như các mặt kinh tế-xã hội.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có còn phù hợp?

“Hiện nay dư luận cử tri bức xúc việc tăng giá xăng, giá điện” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, đồng thời hoan nghênh việc Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua.

Theo bà, dư luận lâu nay đặt hoài nghi về tính minh bạch của quản lý điện và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. “Có hoài nghi thì phải có kiểm tra để giải đáp cho dư luận cử tri” - bà Nga đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng trước hết phải giải đáp được vì sao tăng, trong cơ cấu giá điện thì cái nào hợp lý, cái nào không hợp lý. Cạnh đó, về phương pháp tính giá điện bậc thang và biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, dư luận cử tri có ý kiến với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt thế này chỉ còn phù hợp với giai đoạn ngày xưa.

“Nhiều gia đình ít người hết sức tiết kiệm cũng sử dụng không dưới mức thấp nhất” - bà Nga nhấn mạnh và đề nghị giải trình có phải ở quốc tế càng dùng nhiều điện, giá càng tăng không. Bà cũng đặt vấn đề: Với thị trường và cạnh tranh trong thị trường hiện nay, mảng điện lực dù độc quyền nhưng các yếu tố thị trường đã đảm bảo chưa?

Cũng theo bà, Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN chọn tăng giá điện vào thời điểm nóng nhất, người tiêu dùng dùng điện nhiều nhất. Cộng với việc dùng điện càng nhiều, giá càng cao thì dư luận yêu cầu phải trả lời câu hỏi tại sao tăng vào thời điểm dùng nhiều nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN

“Chúng tôi chưa có đánh giá nhưng đề nghị phải kiểm tra để trả lời dư luận. Nếu tăng là cần thiết thì cũng phải có căn cứ, cái gì không phù hợp cần phải điều chỉnh” - bà Nga nói.

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về khung và lộ trình tăng giá điện, cơ chế tính giá điện cũng có rồi. “Vấn đề hiện nay là xem điều hành giá điện có đúng các quyết định đã được ban hành hay không để công bố cho nhân dân yên tâm. Tôi đi tiếp xúc cử tri, tôi nói chắc chắn việc tăng giá này Bộ Công Thương phải thực hiện theo đúng cơ chế và báo cáo Chính phủ chứ làm sao Bộ Công Thương hay EVN tự làm được” - chủ tịch QH nói và cho rằng Chính phủ phải lên tiếng giải thích chứ không phải chỉ công bố lập đoàn thanh tra.

“Phải giải thích coi họ làm đúng hay không, vì đang làm theo lộ trình, quyết định của Chính phủ mà” - bà Ngân nói thêm.

Chuyển giá: Thực trạng nghiêm trọng

Đáng chú ý, tại phiên họp, hai bộ trưởng Tài chính và KH&ĐT đã thông tin thêm về vấn đề chuyển giá.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, kết quả thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá năm 2018 cho thấy cơ quan chức năng đã tiến hành gần 96.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu về ngân sách 19.000 tỉ đồng, ngoài ra xử lý giảm lỗ gần 41.000 tỉ đồng. Tương tự, năm 2017, cơ quan chức năng cũng xử lý giảm lỗ 37.000 tỉ đồng.

“Thực trạng đang như thế, chúng tôi thấy rất nghiêm trọng, nên trong Luật Quản lý thuế cần nêu rõ trách nhiệm các cơ quan trong quản lý FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), từ khâu đầu tư đến khâu sản xuất. Ở đây xử lý về thuế qua thanh tra, kiểm tra mới là một phần” - bộ trưởng Tài chính nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng chuyển giá là câu chuyện kéo dài suốt 30 năm qua. Chuyển giá xảy ra ở hai khâu: Khâu đầu tư ban đầu và khâu sản xuất, kinh doanh.

Theo ông, ở khâu đầu tư ban đầu, Luật Đầu tư trước đây yêu cầu phải giám định tài sản đầu tư ngay sau khi đầu tư xong, để xác định giá trị tài sản chính thức, từ đó mới tính khấu hao và hạch toán thu nhập chịu thuế.

Thừa nhận triển khai quy định này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, ông Dũng dẫn chứng, năm 1992, khi thuê một công ty giám định độc lập giám định 17 dự án thì toàn bộ đều sai phạm. “Nhưng để đưa ra xử lý về pháp lý thì tranh cãi vô cùng phức tạp” - ông Dũng nói.

Luật Đầu tư sau đó đã bỏ điều khoản này, theo hướng để doanh nghiệp tự giác. Tuy nhiên, bộ trưởng KH&ĐT cho rằng “không thể để họ tự giác được nữa”.

“Sau khi đánh giá 30 năm FDI, chúng tôi thấy đây vẫn là kẽ hở. Khi họ chỉ đầu tư 10 triệu USD nhưng khai 20 triệu USD thì toàn bộ khấu hao tài sản cố định họ rút ra được hết, làm giảm thu nhập chịu thuế. Đây là hiện tượng lỗ giả, lãi thật, xảy ra rất lâu rồi” - ông Dũng nói thêm và cho biết khi sửa Luật Đầu tư tới đây, dự kiến sẽ có điều khoản quy định trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể thuê giám định lại tài sản đầu tư, bên bị giám định phải trả chi phí giám định.

“Như vậy mới khắc phục được phần nào tình trạng này. Còn kiểm tra ở khâu sản xuất, kinh doanh thì Bộ Tài chính đã làm” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày nhận định: Năm 2018, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế. Đáng chú ý, thu cân đối ngân sách vượt dự toán 8%, chi ngân sách được đảm bảo, xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh. Bội chi, nợ công được kiểm soát. Cạnh đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực.

Ông Dũng cũng cho hay năm qua đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, cải cách tư pháp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…

Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục, dù dính bê bối gian lận, tiêu cực thi cử nhưng kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể, trong báo cáo năm 2018, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định bảy trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm