Chính phủ cần đánh giá sâu về cơ cấu tổ chức các bộ

Ngày 16-3, tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 34, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: QH

Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp

Khi đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, báo cáo của Chính phủ nêu sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. 

Trong đó, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 bảo đảm thực hiện đúng vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ đã được hiến pháp, Luật Tổ chức chính phủ quy định. Đặc biệt, “phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực”.

Nêu quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Chính phủ cần có đánh giá nhiệm kỳ đối với 18 bộ, bốn cơ quan ngang bộ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập năm 2018. 

“Tổ chức bộ máy như vậy đã hiệu quả chưa, có chồng chéo chức năng, nhiệm vụ không?” - bà Mai Phương hỏi và cho rằng cần đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy thế nào trước khi đặt ra định hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sắp tới.

Đồng tình, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực của ủy ban này, cho hay nhiệm kỳ vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất thành lập thêm một số bộ như Bộ Thanh niên. Cũng có ý kiến đề nghị tách công tác quản lý biển đảo, thành lập một bộ riêng..

Cũng theo ông Xuyền, thực tế đang có sự trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, chẳng hạn giữa Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. “Mô hình hiện nay đã thực sự phù hợp chưa và vận hành trong nhiệm kỳ vừa qua thế nào? Chính phủ cần đánh giá sâu về cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, từ đó đề xuất mô hình Chính phủ nhiệm kỳ tới” - ông Xuyền nhấn mạnh.

Tại dự thảo báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể kết quả đạt được trong việc tinh giản biên chế. Cùng đó là kết quả thực hiện việc “sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp” theo Nghị quyết 25 của Chính phủ năm 2017…

Khâu tổ chức thi hành pháp luật cần làm tốt hơn

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua. Đáng chú ý, Chính phủ nhận định “tình trạng xin điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là xin bổ sung dự án luật, nghị quyết còn nhiều”. Trong khi đó, nhiều dự án có trong chương trình nhưng chưa được chuẩn bị kịp, phải xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nhìn nhận việc chuẩn bị một số hồ sơ dự án, văn bản pháp luật trình chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chậm, như Luật Quy hoạch, Luật An ninh mạng. 

Đặc biệt, vẫn chưa khắc phục triệt để việc chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết: Nhiệm kỳ 2011-2015 nợ 39 văn bản; nhiệm kỳ 2016-2021 còn nợ 14 văn bản tính đến thời điểm 13-3-2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung cho rằng đây là vấn đề tồn tại từ lâu, tuy nhiên báo cáo Chính phủ không thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân. Trong khi đó, giải pháp cũng nêu rất chung chung, chỉ gói gọn trong cụm từ “tổ chức thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết”.

“Đề nghị Chính phủ bổ sung phụ lục chỉ ra 14 văn bản quy định chi tiết còn đang nợ. Đề nghị nghiêm túc như vậy” - bà Dung nói.

Ông Bùi Văn Xuyền cũng đồng tình với đánh giá của Chính phủ cho rằng khâu yếu hiện nay là “tổ chức thực hiện”. Lý giải, ông Xuyền cho rằng ngoài nguyên nhân do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết còn do nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tinh thần của luật dẫn đến việc tổ chức thi hành bị ách tắc. 

“Cùng Luật Đầu tư công, có nơi thực hiện rất tốt như Quảng Ninh và một số tỉnh. Nhưng có nơi không triển khai được dự án nào vì luật mới ra không hiểu, không nắm được, làm thì sợ sai” - ông Xuyền dẫn chứng.

Nhiều dự án luật bị lùi, rút khỏi

Các số liệu nêu trong báo cáo cho thấy con số các dự án luật được bổ sung, lùi thời gian hay rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn diễn ra nhiều, chưa được khắc phục triệt để.

Cụ thể, năm 2017 bổ sung sáu dự án, lùi thời gian trình năm dự án, rút khỏi chương trình ba dự án. Năm 2018 đề nghị bổ sung 10 dự án, lùi thời gian trình ba dự án. Năm 2019 đề nghị bổ sung chín dự án, lùi thời gian trình hai dự án, rút khỏi chương trình hai dự án. Năm 2020 bổ sung 11 dự án, lùi thời gian trình một dự án, rút khỏi chương trình hai dự án và thay đổi phạm vi điều chỉnh một dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm