Chiến sĩ Gạc Ma đã khắc tên mình trong lòng Tổ quốc

Buổi tưởng nhớ diễn ra trong không khí trầm hùng, đầy xúc động và thành kính. Những người lính Trường Sa năm xưa nay tóc đã bạc trắng, nhiều người đã về hưu, giải ngũ nhưng vẫn rưng rưng nước mắt khi nhớ tới các đồng đội mình đã ngã xuống giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của dân tộc.

 Chiến sĩ Gạc Ma đã khắc tên mình trong lòng Tổ quốc ảnh 1
Anh Tấn và anh Lợi bên danh sách các đồng đội của mình đã hy sinh trong trận hải chiến với quân xâm lược Trung Quốc năm 1988. Ảnh: LÊ PHI

Lịch sử sẽ không quên các anh

Ông Trần Đức Lợi nhớ lại, ông không thể nào quên hình ảnh của đồng đội mình tay không chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với quân xâm lược Trung Quốc trong trận hải chiến tại Gạc Ma năm 1988. 

“Đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống vì chủ quyền biển, đảo tổ quốc. Hôm nay chúng tôi có mặt ở đây để tưởng nhớ đồng đội mình. Chúng tôi và thế hệ trẻ mai sau sẽ luôn luôn tưởng nhớ công ơn những người đã nằm lại ở Trường Sa năm đó. Lịch sử sẽ không quên các anh” - ông Lợi xúc động nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tấn (cựu binh Gạc Ma, trung đoàn E83 năm xưa) chia sẻ, hết sức xúc động vì hôm nay không chỉ là ngày tưởng niệm 64 đồng đội mình đã hy sinh vì tổ quốc mà thấy rất vui khi hôm nay Hội cán bộ chiến sĩ Trường Sa 83 cũng chính thức được thành lập.

“ Anh em chúng tôi đang dự tính vào ngày 14-3-2018 sẽ tổ chức tưởng niệm tròn 30 năm trận Gạc Ma” - ông Tấn nói.

Tổ quốc luôn bất tử

Nói về sự hy sinh phần lớn là cấp dưới của mình trong trận chiến Gạc Ma 1988, Thượng tá Hoàng Hoan (nguyên Chính ủy E83) xúc động kể lại, ngày 13-3-1988, tàu HQ 605 thuộc lữ đoàn vận tải 125 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy được lệnh từ đảo Đá Đông nhanh chóng cơ động đến giữ đảo Len Đao và cắm cờ trên đảo san hô này.

Trong khi đó, tàu HQ 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và tàu HQ505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được lệnh tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu còn có hai phân đội công binh (70 chiến sĩ) thuộc trung đoàn công binh 83 và bốn tổ chiến đấu (22 chiến sĩ) thuộc lữ đoàn 146 do đồng chí Trần Đức Thông (phó lữ đoàn trưởng chỉ huy) cùng bốn chiến sĩ đo đạc và biên vẽ hải đồ. Sau khi hai tàu thả neo được 30 phút thì phát hiện tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc chạy về phía Gạc Ma.

Sau đó tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ 604 và HQ505 bắt loa kêu gọi các chiến sĩ của chúng ta rời đảo. Các chiến sĩ hải quân của chúng ta vẫn bám trụ và cắm cờ Tổ quốc lên đảo Gạc Ma. Trung Quốc điều thêm hai tàu hộ vệ có trang bị pháo 100 mm tiến đến uy hiếp nhưng các chiến sĩ trên đảo của chúng ta vẫn không rời nửa bước. Lúc này, quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng, nã pháo làm tàu 604 của hải quân chúng ta hư hỏng và chìm xuống biển, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh…

“Cuộc đụng độ xung đột diễn ra trong cả ngày 14-3-1988, các anh đã kiên cường chiến đầu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. 64 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm đương đầu chiến đầu với quân Trung Quốc đến hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn ra đi. Các đồng chí đã không thể trở về với mẹ với bao ước vọng tuổi thanh xuân chưa kịp thực hiện” - ông Hoan nghẹn ngào.

Ông Hoan, nhìn tên những chiến sĩ của mình được ghi danh trang trọng trên bàn thờ lễ tưởng niệm. “Nhìn vào di ảnh trên bàn thờ của gia đình các anh thật trẻ trung và tinh thần vì Tổ quốc  luôn bất tử. Các anh hy sinh cho Tổ quốc được trường tồn. Các anh vẫn sống mãi trong lòng Tổ quốc, trong mỗi chúng ta. Ánh mắt của các anh luôn nhìn thẳng vào tâm hồn chúng ta, nhắc nhở chúng ta phải giữ gìn biển, đảo quê hương. Các anh vẫn sống mãi như cây phong ba trong nắng gió Trường Sa. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn của các anh”.

Sau lễ tưởng niệm, các thủ lĩnh và cán bộ, chiến sĩ Trường Sa năm xưa đã trịnh trọng dong thuyền ra biển thả hoa đăng tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận cưỡng chiếm, xâm lược của Hải quân Trung Quốc khi đánh chiếm Gạc Ma năm 1988.

Tàu hú liên hồi, các cán bộ chiến sĩ Trường Sa năm xưa đã làm nghi thức tưởng nhớ các anh trên biển. Sóng vẫn xô vào mạn tàu, tung bọt trắng xóa, hoa đăng xa dần tầm mắt rồi mất hút phía biển khơi. Mọi người rưng rưng và chỉ biết sẽ thêm yêu Tổ quốc, biển trời của nước Nam này hơn.

 Chiến sĩ Gạc Ma đã khắc tên mình trong lòng Tổ quốc ảnh 2
Xúc động thắp đèn hoa đăng để thả trên biển. Ảnh: LÊ PHI

 Chiến sĩ Gạc Ma đã khắc tên mình trong lòng Tổ quốc ảnh 3
Vẫn luôn thương nhớ đồng đội dù các anh đã ra đi 29 năm qua. Ảnh: LÊ PHI

 Chiến sĩ Gạc Ma đã khắc tên mình trong lòng Tổ quốc ảnh 4
Các cựu binh Gạc Ma và những đồng đội cũ của 64 chiến sĩ hy sinh năm 1988 thắp hương tưởng niệm các anh. Ảnh: LÊ PHI

 Chiến sĩ Gạc Ma đã khắc tên mình trong lòng Tổ quốc ảnh 5
Đồng đội và bạn bè của 64 chiến sĩ hy sinh năm xưa dong tàu ra khơi thả hoa đăng thương nhớ các anh. Ảnh: LÊ PHI

 Chiến sĩ Gạc Ma đã khắc tên mình trong lòng Tổ quốc ảnh 6
Thả hoa đăng tưởng nhớ 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm