Chi cả tỉ đồng cho một cuộc họp trực tuyến

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thông tin như trên tại cuộc kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) ngày 15-3.

“Như thế thà cứ họp trực tiếp…”

Cụ thể, khi đề cập đến nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, phát triển hệ thống công nghệ thông tin cho hệ thống cơ quan nhà nước của một doanh nghiệp viễn thông nhà nước, thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng VNPT chưa tạo được giá trị đột phá. Chỉ tính riêng mô hình tổ chức họp trực tuyến toàn quốc nhằm tiết kiệm, theo ông Thừa, chi phí đưa ra cũng giật mình.

“Như thế thì thà cứ họp trực tiếp, mỗi nơi 1-2 lãnh đạo bay về dự họp, nghỉ khách sạn một đêm rồi về thì một địa phương cũng chỉ mất mấy chục triệu là cùng” - ông Thừa nói.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đặt câu hỏi: “Tập đoàn có lợi thế lớn trên cả nước, ở địa phương nào cũng đã có hạ tầng, có địa điểm đẹp từ những bưu điện, bưu cục đã xây dựng bao lâu nay, nằm ở trung tâm các đô thị. Cả hai vệ tinh lớn nhất nước cũng nằm trong tay tập đoàn. Vậy mà từ vị thế độc quyền, đứng đầu giờ lại chỉ đặt mục tiêu phấn đấu ở tốp đầu trong nhóm các doanh nghiệp viễn thông thôi thì có ổn không?”.

Bổ sung thêm cho câu hỏi của mình, ông Thừa dẫn chứng: Những doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn hơn VNPT nhiều mà giờ họ phủ sóng rộng khắp, đến cả vùng sâu vùng xa, đi đâu sóng cũng nét căng trong khi Vinaphone, ngay tại Hà Nội, chỉ cần lên đến đường trên cao là mất sóng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tránh lợi ích nhóm khi tái cơ cấu VNPT

Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết năm 2016, tổng lợi nhuận toàn tập đoàn đạt 4.380 tỉ đồng, tăng 20,3% so với năm 2015. VNPT đã giảm 6.000 lao động, riêng khối cơ quan tham mưu giảm từ 500 người còn 300 người.

Giải trình về các nhiệm vụ quá hạn mà trước hết là công tác thoái vốn, xử lý các doanh nghiệp kém hiệu quả, ông Phạm Đức Long cho biết nhìn chung VNPT gặp khó khăn trong việc thực hiện thoái vốn tại nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị nhỏ thuộc khối xây lắp. Ngoài những vướng mắc liên quan tới chính sách như việc bán cổ phần theo lô, còn có những nguyên nhân như thủ tục phá sản các đơn vị yếu kém mất nhiều thời gian. Yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước cũng không dễ thực hiện.

Về nhiệm vụ tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Tài chính Bưu điện, VNPT đã đàm phán với nhiều đối tác, dù mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn chưa được chấp thuận, hiện vẫn đang tiếp tục tìm phương án xử lý.

kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị VNPT tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ liên quan tới tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành. Đặc biệt, muốn thoái vốn được thì phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, không thoái vốn bằng mọi giá.

“Trong tái cơ cấu, thoái vốn, cần có lộ trình, giải pháp, kế hoạch cụ thể, làm sao không có lợi ích nhóm, tham nhũng, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, người lao động” - bộ trưởng đề nghị.

Tin nhắn rác: Từ 100.000 còn 2.000 tin/ngày

Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT, cho biết VNPT đã tiến hành đầu tư các giải pháp chặn tin nhắn rác. Nếu như trước đây mỗi ngày có khoảng 100.000 tin nhắn rác trên mạng Vinaphone thì hiện còn khoảng 2.000 tin/31 triệu thuê bao.

Theo ông Long, nguyên nhân của việc này vì đối tượng phát tán thiên biến vạn hóa nên phải cập nhật thông tin để xử lý. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp ký hợp đồng ủy quyền không nghiêm túc sẽ hủy hợp đồng, khóa tài khoản.

Trong thời gian qua, VNPT cũng đã xử phạt 30 giám đốc bán hàng, điều chuyển ba giám đốc tỉnh, hạ lương 18 đơn vị thực hiện không nghiêm việc này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn đọng một số SIM đã kích hoạt trước trên kênh phân phối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm