Chết người rồi mới rà soát, xử lý

Ông nói: “Chúng ta luôn cảm nhận sự sâu sát trong từng lời nói, hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng phương châm “hành động, kiến tạo” mà Thủ tướng Chính phủ đã lựa chọn. Tình hình kinh tế-xã hội cho đến thời điểm này đã thể hiện vai trò của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.

Tuy nhiên, theo ông Cương, chất lượng quản lý nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương không được nâng lên, vẫn còn nhũng nhiễu, tiêu cực thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được và nếu đạt được thì cũng không bền vững.

Ông Cương nêu ra hai vấn đề tiêu cực là sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức và thất thoát tài sản nhà nước trong cổ phần hóa.

Pháp Luật TP.HCM ghi lại nguyên văn phát biểu của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về vấn đề nhũng nhiễu, tiêu cực.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương.

"Chúng ta có quyền hỏi Chính phủ đã quyết liệt như vậy nhưng tại sao xã hội vẫn còn nhiều bức xúc và nguyên nhân của nó là gì? Tôi đã từng phát biểu những bức xúc có chung nguyên nhân từ vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức.

Bộ máy nhà nước tự thân nó không làm nên điều gì nếu không có hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức. Thực tế thì cái gì xảy ra cũng có chung giải thích là do “buông lỏng quản lý”. Sự giải thích đó luôn đúng và mãi mãi đúng. Quản lý nhà nước lâu nay luôn chạy theo các vấn đề cần quản lý mà lẽ ra quản lý phải đi trước một bước.

Chúng ta cứ thấy những vụ sập mỏ khai thác đá vài chục người chết, sạt lở vài gia đình bị vùi lấp, lật du thuyền trái phép nhiều người chết, cháy nhiều cơ sở karaoke chết nhiều người như ngày hôm qua cũng như nhiều vụ cháy trước đó. Cứ xảy ra rồi chính quyền mới đến và tuyên bố sẽ rà soát, xử lý nghiêm vi phạm.

Vâng, lẽ ra việc đó phải làm lâu rồi chứ không phải để xảy ra rồi mới làm.

Điều đáng nói là trong lúc đội ngũ cán bộ, công chức đông như thế nhưng tinh giản biên chế thì gần như vẫn “giậm chân tại chỗ”.  Thử hỏi số lượng cán bộ, công chức nhiều mà công việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc thì đội ngũ công chức, cán bộ cả nước làm gì?

Nhiều doanh nghiệp nhỏ có nói với tôi "chính quyền trên địa bàn việc gì không biết, chứ trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp (DN) kinh doanh ngành nghề gì thì biết tuốt". Sự thăm hỏi là thường xuyên nhưng thăm hỏi không phải là để kiểm tra, xem xét, chấn chỉnh mà thường là xin kinh phí hỗ trợ. Một số người bức xúc gọi đây là “xin đểu”.

Trước kia thì chỉ xin hỗ trợ tết Nguyên đán nhưng giờ thì ngày lễ cũng xin, nghỉ hè cũng xin, tổ chức hội nghị cũng xin. Việc cho là tùy tâm nhưng nếu không cho thì DN sẽ chuốc lấy khó dễ, mặc dù DN nói họ chả làm gì sai cả nhưng đành chấp nhận.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ, tạo điều kiện và cơ chế thông thoáng cho DN, vì đơn giản muốn phát triển thì sự tồn tại của DN là rất quan trọng. Nhưng sự nhũng nhiễu của chính quyền như vậy thì hiệu quả chỉ đạo cũng giảm đi rất nhiều". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm