Cháy xe: Bên công khai, bên lấp lửng

“Năm 2010 Việt Nam xảy ra 128 vụ cháy xe, qua năm 2011 tăng 53% với 196 vụ. Nếu không có biện pháp hạn chế, tốc độ cháy xe trong năm 2012 dự kiến tăng 55% so với năm 2011, tức sẽ có trên 300 vụ” - TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPTC), cho biết.

Xăng vẫn là “nghi can” số một

Theo công bố của liên bộ Công an - KH&CN - Công Thương và GTVT, có năm nguyên nhân gây cháy xe là chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông và do tự đốt. Chưa có bằng chứng về việc xăng dỏm gây cháy xe. Nhưng RPTC và Phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (đều thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM) tiếp tục khẳng định: Xăng dỏm là một trong những nguyên nhân gây cháy xe.

“Xăng không đảm bảo chất lượng sẽ gây nóng cục bộ cho động cơ hơn bình thường nhiều. Ngoài ra, xăng có pha methanol sẽ phá hỏng ống dẫn nhiên liệu trong vòng một tuần, gây rò rỉ xăng, dễ dẫn đến cháy khi gặp nguồn nhiệt đủ lớn hoặc lửa” - TS Huỳnh Quyền giải thích.

Cháy xe: Bên công khai, bên lấp lửng ảnh 1

Nhiều người dân thấy bất an với hàng loạt vụ cháy xe chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: CTV

Theo ông Quyền, để có được kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu xăng A83, 92, 95 và các mẫu xăng có pha thêm methanol, ethanol và một phụ gia tiết kiệm xăng xuất xứ từ Trung Quốc. Từ đó, tập trung nghiên cứu khả năng cháy nổ khi nhiên liệu tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng, khả năng phá hủy hệ thống ống dẫn xăng, khả năng rò rỉ do áp suất hơi…

“Chúng tôi đã khảo sát sự hình thành các vùng nhiệt độ cao trên xe khi sử dụng các loại xăng kém chất lượng. Kết quả cho thấy không có sự tự cháy nổ của xăng có pha methanol, ethanol và aceton khi có nguồn nhiệt lớn. Nhưng sự có mặt của methanol với hàm lượng lớn là nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ cháy xe do chúng phá hủy ống xăng, tăng áp suất hơi” - TS Nguyễn Ngọc Dũng, giảng viên bộ môn ô tô và máy động lực - ĐH Bách khoa TP.HCM, bổ sung.

Xăng dỏm là từ cây xăng vỉa hè?

Đáng ngạc nhiên là đến nay kết quả nghiên cứu trên vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm. Chiều 28-5, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), cho biết Tổng cục vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể về kết quả nghiên cứu của Sở KH&CN và ĐH Bách khoa TP.HCM. (Vấn đề đặt ra là ĐH Bách khoa có nghĩa vụ phải báo cáo hay chỉ cần công bố kết quả như đã làm?)

“Các nguyên nhân liên quan đến cháy xe đã được liên bộ công bố công khai. Tất cả 56 mẫu xăng liên quan đến cháy xe (gồm 16 mẫu ở xe bị cháy và 40 mẫu từ cây xăng nơi chủ xe đã mua) đều phù hợp tiêu chuẩn. Do vậy, tới thời điểm này cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa khẳng định xăng dầu là thủ phạm trực tiếp gây cháy xe” - ông Vinh khẳng định.

Theo ông Vinh, xăng có pha methanol và ethanol với nồng độ dưới 30% không thể tự động bốc cháy, không gây ra cháy ô tô và xe máy, trừ trường hợp đặc biệt có sự rò rỉ nhiên liệu và tiếp xúc với nguồn nhiệt cực nóng. “Xăng A83 có pha methanol hàm lượng cao sẽ gây lão hóa đường ống dẫn nhiên liệu, gioăng cao su dẫn đến rò rỉ nhiên liệu. Tuy nhiên, khả năng này chỉ có thể xuất phát từ các điểm bán xăng dầu lẻ, vỉa hè muốn pha thêm phụ gia để kiếm lời” - ông Vinh nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cho biết: “Ngành công thương chỉ chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm bán ra có đúng quy định hay không. Còn tiêu chuẩn chất lượng của xăng dầu là do ngành KH&CN kiểm tra. Việc xác định các chỉ số chất lượng do Tổng cục Đo lường Chất lượng thực hiện”.

Tội ở con người, không phải do xăng

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia về động cơ đốt trong và cơ khí động lực, cho hay: Từ năm 1950, thế giới có pha methanol vào xăng. Sau đó, nhiều hãng ô tô nổi tiếng đã khuyến cáo không nên dùng loại xăng này do dễ làm hư hỏng các gioăng cao su, ống dẫn nhiên liệu. Methanol cũng tấn công vào các chi tiết làm bằng hợp kim nhôm, tạo ra hydro là chất khí dễ cháy.

“Ở nước ta, do có những sơ hở trong quản lý dẫn đến hiện tượng pha methanol vào xăng để tăng lợi nhuận. Bản thân xăng A83 không có tội, tội là ở những người đã pha methanol vào để làm tăng chỉ số octan nhằm trục lợi, dẫn đến cháy xe” - ông Ninh nói.

MINH PHONG - TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm