Cháy mãi ngọn lửa tinh thần Gạc Ma

Cháy mãi ngọn lửa tinh thần Gạc Ma ảnh 1

Lần đầu tiên sau 27 năm, ba chiến sĩ từng đi chung trên tàu HQ 604 gặp lại nhau. Từ trái qua: anh Lê Minh Thoa (Hà Tĩnh), Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (Bộ Tư lệnh Hải quân) và anh Lê Hữu Thảo (Bình Định). Ảnh: TẤN LỘC 

Chiều nay (14-3), Ban Liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên tổ chức buổi gặp mặt truyền thống tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu kiên cường và hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma trước quân xâm lược Trung Quốc ngày 14-3-1988. Hơn 500 cựu chiến binh Trường Sa từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước gặp nhau trong niềm xúc động, cùng tưởng nhớ về những đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo Tổ quốc. 

Lần đầu tiên sau 27 năm, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh được gặp lại nhiều đồng đội cũ của mình từ sau trận chiến Gạc Ma 14-3-1988. Họ ôm chầm lấy nhau, ôn lại sự kiện hào hùng khi quân xâm lược Trung Quốc ngang nhiên nã đạn vào những người lính Việt Nam để cướp đảo.

Đó là câu chuyện về Trung úy Trần Văn Phương dù hy sinh vẫn quyết giữ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, trước khi ngã xuống vẫn nói to với đồng đội: “Dù chúng ta có đổ máu, dù chúng ta hy sinh nhưng không để mất đảo”.

Đó là câu chuyện về Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh, người thay thế Trung úy Trần Văn Phương giữ lá cờ, dù bị địch bắn xuyên bả vai vẫn anh dũng chiến đấu giữ lá Tổ quốc cắm trên đảo, kiên quyết giằng co không cho lính Trung Quốc cắm cờ. Khi địch hạ cờ Việt Nam xuống, Trung sĩ Lanh lại dựng lên, cho đến khi anh bị quân Trung Quốc dùng lưỡi lê đâm rồi bắn vào người… Giờ đây, Anh hùng Nguyễn Văn Lanh được gặp con gái cùng cháu ngoại của Anh hùng Trần Văn Phương trong niềm xúc động, cùng nhớ về những người lính đã ngã xuống.

Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến Anh hùng Nguyễn Văn Lanh và hai đồng đội từng đi chung trên con tàu HQ 604 là Lê Minh Thoa, Lê Hữu Thảo gặp lại nhau sau 27 năm. Anh Lê Minh Thoa là người bị Trung Quốc bắt làm tù binh trong trận chiến Gạc Ma, rồi bị chúng giam cầm, đánh đập hơn bốn năm. Hiện anh Thoa mở một quán phở nhỏ mang tên “Trường Sa” ở TP Quy Nhơn (Bình Định) để gia đình kiếm sống. Còn anh Lê Hữu Thảo một mình vượt gần 1.000 cây số từ Hà Tĩnh vào để tìm lại những đồng đội của mình. “Trong những ngày tháng 3 này, chúng tôi như sống lại những năm tháng oanh liệt của tuổi trẻ khi làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa. Khi đứng trước biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ngày ấy dù chúng tôi sống và chiến đấu trong điều kiện khốc liệt nhưng không ai một phút nản chí. Bây giờ, mỗi khi nói đến Trường Sa, Gạc Ma, trong tim chúng tôi lại nóng lên cảm xúc của ngày ấy”- anh Thảo chia sẻ.

Còn Anh hùng Nguyễn Văn Lanh xúc động: “Chúng tôi không bao giờ quên những đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma hôm ấy. Thân xác anh em còn ngoài biển khơi nhưng tinh thần, ngọn lửa Gạc Ma đã và đang cháy mãi trong tim những người lính Trường Sa. Ngọn lửa tinh thần ấy đang truyền sang, tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trẻ hôm nay trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Phát biểu trước những đồng đội cũ của mình, anh Đào Thái Thi, Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên, kêu gọi: “Các đồng chí ơi! Chúng ta đừng bao giờ quên những đồng đội đã anh dũng hy sinh, bỏ mình ngoài đảo xa mãi mãi không về. Tôi mong rằng tất cả những cựu chiến binh Trường Sa hãy luôn sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội mình, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân”.

Đại tá Lê Xuân Bạ, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng 4 Hải quân, nguyên Chủ tịch huyện đảo Trường Sa, bày tỏ: “Tối hết sức xúc động vì được sống trong hào khí của người lính, được chứng kiến tình đồng đội sâu đậm của những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Tinh thần, tình cảm ấy bắt đầu ở chiến trường, được những người lính Trường Sa giữ mãi đến bây giờ. Hiện nay, những cựu chiến binh Trường Sa vẫn đóng vai trò quan trọng trong vận động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền của đất nước, góp công góp sức bảo vệ, xây dựng Trường Sa và biển đảo của Tổ quốc”.         

 

Hai thương binh Trường Sa gặp lại nhau: anh Trần Văn Hùng (phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) và Nguyễn Văn Dũng (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: TẤN LỘC

 

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh gặp con gái, cháu ngoại Anh hùng Trần Văn Phương. Ảnh: TẤN LỘC

     

Xúc động lần đầu gặp nhau sau 27 năm. Ảnh: TẤN LỘC           

 

Những cựu chiến binh Trường Sa gặp nhau, từ trái qua Đại tá Lê Xuân Bạ, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng 4 Hải quân, nguyên Chủ tịch huyện đảo Trường Sa; Anh hùng Nguyễn Văn Lanh, Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, nguyên Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Ảnh: TẤN LỘC

 

Niềm vui ngày gặp mặt. Ảnh: TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm