Chất lượng Bộ Chính trị, Ban bí thư nhìn từ cách làm nhân sự

Thông báo Hội nghị Trung ương lần thứ 14, khóa XII, cho biết: “Việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII là công việc kế thừa, tiếp nối của công tác quy hoạch cán bộ, rất hệ trọng và liên quan đến thành công của Đại hội XIII của Đảng và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm, Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đảng đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến một cách thẳng thắn, xây dựng, tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII”.

Thông tin thêm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc đánh giá Trung ương đã “bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư”. 

Các thông tin nêu trên gợi nhớ những lưu ý của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều bài phát biểu của mình về chất lượng nhân sự “không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn”. Nói cách khác, chất lượng nhân sự dự kiến trình để Đại hội XIII quyết định phải là ưu tiên hàng đầu.
Vậy đến thời điểm hiện tại, có thể nhìn nhận thế nào về chất lượng, nhất là ứng viên Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII?

Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII. Ảnh: VGP/ NHẬT BẮC

Quy hoạch cán bộ chiến lược: Chặt chẽ, khoa học hơn
Kế thừa cách làm của khóa trước, từ tháng 11-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW về xây dựng quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026. Không có thông tin chính thức về văn bản này, tuy nhiên qua quan sát, theo dõi thì thấy công tác quy hoạch của khóa này được làm rất bài bản, hơn hẳn khóa trước.
Theo đó, Bộ Chính trị lập ban chỉ đạo cùng tổ giúp việc chuyên lo công việc có tính chất bước đầu nhưng rất quan trọng của công tác nhân sự Đại hội XIII. 
Quy hoạch được thực hiện với quy trình nhiều bước, trong đó với nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư, bước 1 như chúng tôi đã giới thiệu là từ danh sách và nguồn do Bộ Chính trị chuẩn bị, Trung ương giới thiệu nhân sự quy hoạch bằng phiếu kín.
Bước 2, Ban chỉ đạo tổng hợp kết quả giới thiệu bước 1, hoàn thiện hồ sơ nhân sự.
Bước 3, Bộ Chính trị thông qua dự kiến danh sách nhân sự.
Bước 4, Bộ Chính trị lấy ý kiến Trung ương về dự kiến danh sách nhân sự đưa vào quy hoạch. Từ kết quả này, hai ban xây dựng Đảng là Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng các cơ quan liên quan khác đã thẩm định, xác minh nhân sự.
Bước 5, cuối cùng, Bộ Chính trị khóa XII quyết định danh sách quy hoạch Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII.
Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược bắt đầu được triển khai tương đối bài bản ở khóa XI. Đến khóa XII này, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập trước đó, đã có một số điều chỉnh quan trọng. Đó là các thủ tục quan trọng để phát hiện, giới thiệu nhân sự đều phải thông qua tập thể. Các ủy viên Trung ương là người đứng đầu các tổ chức đảng không còn thẩm quyền đề cử riêng không qua tập thể nữa. Ngoài ra, quy hoạch là khâu đầu tiên, bắt buộc của công tác cán bộ, không chấp nhận ngoại lệ nào chưa được quy hoạch mà lọt vào các bước sau đó của quy trình nhân sự.
Thực hiện nghiêm túc, bài bản quy trình ấy, bước đầu tiên của quy hoạch nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII đã được triển khai sau hội nghị cán bộ toàn quốc, ngày 23-4 năm nay. Bước 4 dường như được thực hiện ở Hội nghị Trung ương 13, hồi tháng 10. Và như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo hôm khai mạc Hội nghị Trung ương 14, bước cuối cùng đã được Bộ Chính trị triển khai hôm 2-11.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự bế mạc Hội nghị Trung ương 14. Ảnh: TTXVN

Nhân sự tái cử Bộ Chính trị, Ban bí thư: Hai quy trình riêng
Cùng với việc hoàn tất quy hoạch, Bộ Chính trị và Trung ương cũng bước vào quy trình giới thiệu nhân sự dự kiến tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII.
Tìm hiểu qua nhiều nguồn tin, chúng tôi thấy quy trình, cách làm nhân sự, bao gồm cả nhóm nhân sự cao cấp này được Trung ương bắt đầu ở Hội nghị Trung ương 12, hồi tháng 5, trên cơ sở đề án phương hướng công tác nhân sự do Bộ Chính trị chuẩn bị.
Theo các nguồn tin này, cũng tương tự như cách làm nhân sự BCH Trung ương, có hai quy trình riêng để giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư theo hai nhóm đối tượng - tái cử và lần đầu, theo nguyên tắc làm nhân sự tái cử trước, nhân sự được giới lần đầu sau.
Với nhân sự tái cử, bước 1, căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi tái cử với ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư được quy định tại phương hướng công tác nhân sự (tương tự và có thể chi tiết hơn Quy định 214-QĐ/TW), Tiểu ban Nhân sự do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban trình tập thể Bộ Chính trị danh sách các thành viên Bộ Chính trị, Ban bí thư đương nhiệm đủ điều kiện tái cử. Bộ Chính trị thảo luận và tiến hành bỏ phiếu kín giới thiệu.
Về tuổi, không khó để thấy trong tập thể lãnh đạo đương nhiệm 23 người, đến thời điểm tháng 1-2021 (mốc tính tuổi nhân sự trung ương) có 15 người đủ điều kiện về tuổi (không quá 65). Trong số này có hai người vì những vi phạm, khuyết điểm ở nhiệm kỳ trước mà sang khóa này bị thi hành kỷ luật cảnh cáo. 
Theo quy định của Đảng, người bị kỷ luật ở mức cảnh cáo vẫn có thể được xem xét tái cử ở chức vụ tương đương. Tuy nhiên, được giới thiệu tái cử hay không còn tùy thuộc vào lá phiếu tín nhiệm của cấp ủy, mà cụ thể ở đây là Bộ Chính trị. Chưa kể, bản thân những người đó hoàn toàn có thể chủ động nêu ý kiến không tái cử.
Bước 2 vừa được thực hiện tại Hội nghị Trung ương 14 cuối tuần trước. Theo đó, trên cơ sở kết quả giới thiệu tái cử của Bộ Chính trị, Trung ương thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín giới thiệu nhân sự tái cử Bộ Chính trị, Ban bí thư.

Công khai khung tiêu chuẩn

Phải nói rằng Trung ương khóa XII đã ban hành từ rất sớm (tháng 8-2017, năm thứ hai của nhiệm kỳ 2016-2021) Quy định 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý và khi bắt đầu đi vào xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược thì sửa đổi, bổ sung chi tiết thành Quy định 214-QĐ/TW (tháng 1-2020).

Đáng chú ý là so với cách làm các khóa trước, nội dung này chỉ xuất hiện trong phương hướng công tác nhân sự ở năm cuối nhiệm kỳ và đóng dấu mật thì ở khóa này cả hai quy định đều công khai.  

Nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư: Bốn bước chặt chẽ
Với nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư lần đầu, quy trình giới thiệu qua bốn bước chặt chẽ hơn so với nhân sự tái cử.
Bước 1, căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, độ tuổi lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư; căn cứ vào danh sách được giới thiệu tái cử và trên cơ sở nhân sự trong quy hoạch, Tiểu ban Nhân sự chỉ đạo tập hợp, trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua danh sách ban đầu.
Bước 2, trên cơ sở danh sách ban đầu này, Bộ Chính trị trình Trung ương thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu.
Bước 3, từ kết quả giới thiệu của Trung ương, Tiểu ban Nhân sự trình Bộ Chính trị thảo luận, bỏ phiếu kín một lần nữa.
Bước 4, trên cơ sở kết quả bỏ phiếu lần hai của Bộ Chính trị, Trung ương thảo luận và một lần nữa bỏ phiếu kín, có tính chất biểu quyết.
Với các thông tin được công khai, có thể hiểu từ sau cuộc họp Bộ Chính trị hôm 2-11 (quyết định quy hoạch nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư) cho đến thời gian năm ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 14 tuần trước, Bộ Chính trị đã có nhiều cuộc họp để đi đến bước cuối cùng là Trung ương biểu quyết bằng phiếu kín giới thiệu cả nhân sự tái cử và lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư, làm cơ sở để trình Đại hội XIII, mà trực tiếp là BCH Trung ương khóa XIII ở Hội nghị lần thứ nhất quyết định.
Với cách làm nhân sự chặt chẽ, lớp lang, khoa học trên, về chất lượng nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư, đến thời điểm này có thể tin rằng sẽ được bảo đảm ở mức cao nhất.

 Những con số đáng chú ý: 27 - 15 - 12 - 9

Nguồn tin riêng cho biết ngoài số tái cử không khó đoán thì nhân sự lần đầu có bốn con số đáng lưu tâm: 27 ủy viên Trung ương khóa XII được quy hoạch Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII. Từ 27 này, Bộ Chính trị “chọn” ra 15 để rồi bỏ phiếu. Đến Hội nghị Trung ương 14, danh sách để biểu quyết bằng phiếu kín là 12, để chọn từ cao xuống thấp lấy 9 - số lượng phù hợp với nhu cầu bổ sung sau khi tính toán số tái cử.

Các kết quả trên sẽ được tập hợp để Hội nghị Trung ương 15 tới đây thông qua lần cuối cùng, sau khi hoàn tất việc xem xét các trường hợp đặc biệt (do quá tuổi, với cả bốn nhóm: lần đầu vào Trung ương, tái cử Trung ương, lần đầu vào Bộ Chính trị, Ban bí thư, tái cử Bộ Chính trị, Ban bí thư) và nhân sự bốn chức danh chủ chốt (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ)…


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm