Chánh án tòa Tối cao trả lời chất vấn về 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Chỉ có vụ Nguyễn Thanh Chấn là oan

Tại phiên chất vấn, 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng và đang được dư luận quan tâm gồm vụ Hồ Duy Hải; Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng); Hàn Đức Long; Nguyễn Thanh Chấn, vụ Huỳnh Văn Nén đều được các đại biểu tập trung chất vấn. Trả lời chung, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết các vụ án này các cơ quan tố tụng đang phối hợp giải quyết. 5 vụ án nổi cộm, mới khẳng định  chắc chắn vụ Nguyễn Thanh Chấn là oan còn những vụ án kia chưa rõ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương “Hình phạt tử hình của Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) có thỏa đáng hay không khi Chưởng khởi xướng việc đi cướp nhưng không phải là người trực tiếp gây ra vết thương khiến bị hại tử vong?”, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định: “Đây không phải là vụ án oan. Vụ án này có kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC và HĐTP đã không chấp nhận kháng nghị. Kháng nghị đề nghị giảm tử hình xuống chung thân, HĐTP bác. Căn cứ vào vai trò của Chưởng cầm đầu, chủ mưu trong vụ án này. Hậu quả đến đâu thì người cầm đầu phải chịu trách nhiệm đến đó. Có ý kiến cho rằng Chưởng không trực tiếp làm bị hại tử vong mà do đối tượng khác nhưng vụ án này do Chưởng cầm đầu, chỉ huy nên Chưởng phải chịu trách nhiệm. Tất nhiên, nếu có kiến nghị của QH chúng tôi sẽ xem xét thận trọng đối với vụ án này".

Về chất vấn “Vì sao tình tiết như nhau, cùng bị kết án tội giết người, hiếp dâm trẻ em nhưng Lê Bá Mai bị kết án chung thân còn Hàn Đức Long bị tử hình?", Chánh án Trương Hòa Bình cho hay: Hàn Đức Long đã có kháng nghị giải quyết lại. Hội đồng giám đốc thẩm đã hủy án để điều tra lại. Đây là vấn đề áp dụng pháp luật. Cả hai đều phạm tội hiếp dâm trẻ em nhưng một người bị kết án chung thân, một người bị kết án tử hình.

Hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi thì khung hình phạt rất rộng. Các HĐXX căn cứ vào tình tiết vụ án, thủ đoạn, hành vi, tính chất nghiêm trọng của hành vi đó, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ để quyết định mức hình phạt.

Trong phạm vi điều luật và khung hình phạt, HĐXX có thẩm quyền. Chánh án TANDTC tôn trọng quyết định của HĐXX, cũng không can thiệp được. Khi xem xét có căn cứ thì Chánh án, viện trưởng kháng nghị để xem xét lại. Đối với vụ án Hàn Đức Long, Chánh án TANDTC kháng nghị và Hội đồng giám đốc thẩm đã hủy án để điều tra lại.

Về chất vấn vụ Nguyễn Thanh Chấn hiện đã giải quyết tới đâu, Chánh án Trương Hòa Bình trả lời: Vụ ông Chấn, các cơ quan tố tụng đã tiến hành giải quyết quyết liệt. Đến nay, gia đình ông Chấn nộp các tài liệu chứng minh xong thì sẽ có kết quả giải quyết cuối cùng.

Khi HĐTP TANDTC hủy án để điều tra lại, cơ quan điều tra tiến hành xác định lại tài liệu chứng cứ thì xác định là oan, ông Chấn không phạm tội. Còn vướng là bản án dân sự tuyên ông Chấn phải bồi thường dân sự. HĐTP cũng đã có quyết định ông Chấn không phải bồi thường.

TANDTC đã nhiều lần có văn bản mời ông Chấn lên để giải quyết bồi thường và đề nghị ông Chấn cung cấp những tài liệu theo quy định của Luật TN BTNN, ông Chấn chưa cung cấp được.  Người đại diện cũng đã gặp tòa. Người của TANDTC cũng đã hai lần đến tận nhà ông Chấn, gia đình ông Chấn nói nhiều tài liệu cung cấp cho luật sư nhưng luật sư chưa cung cấp cho tòa. Chúng tôi cũng đã liên lạc với luật sư đề nghị cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại về vật chất, tinh thần.

Chánh án tòa Tối cao trả lời chất vấn về 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng ảnh 1

Chánh án Trương Hòa Bình tại phiên chất vấn. Ảnh: plo.vn

Không đủ chứng cứ chứng minh thì tuyên không phạm tội

Về giải pháp chống oan, chống lọt tội, Chánh án Trương Hòa Bình trả lời: Tôi đã trình bày trong lần chất vấn trước đây. Xác định 3 giải pháp đột phá. Một là thực hiện tốt tranh tụng. Sửa luật thiết kế tốt phần tranh tụng, làm sao phát huy vai trò luật sư, có thể để họ tham gia từ giai đoạn hỏi cung. Người phạm tội không phải chứng minh mình không phạm tội…

Bên cạnh đó phải nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán.

Sáp tới đây, thực hiện Luật tổ chức TAND, tố tụng phải quy định rõ quyền tư pháp của tòa được thực hiện trong tố tụng. Quyền tòa án khi xem xét hồ sơ VKS chuyển sang, nếu chưa đủ căn cứ buộc tội thì tòa yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Quá trình trả hồ sơ ko đáp ứng thì tòa trực tiếp điều tra thu thập chứng cứ. Nếu qua thẩm tra, xác minh tòa xác định không đủ căn cứ buộc tội thì  yêu cầu VKS rút. Nếu VKS không rút, đưa ra xét xử, quá trình tranh tụng không đủ căn cứ xác minh tội phạm thì tòa tuyên không phạm tội.

Việc tòa tuyên không phạm tội không nên nghĩ rằng tòa có phán quyết khiến các cơ quan tố tụng cảm thấy bức xúc. Trách nhiệm của các cơ quan tố tụng là chứng minh tội phạm, nếu không chứng minh được phải tuyên bị cáo không phạm tội.

Điều tra, VKS cũng phải nâng cao trách nhiệm Nhất là giai đoạn điều tra ban đầu, thu thập chứng cứ phải làm kỹ. Điều tra viên làm tốt việc thu thập chứng cứ ban đầu tại hiện trường thì hạn chế được rất nhiều oan sai.

Không thể vì thành tích nôn nóng. Tòa án đã có quy định, có thông tư liên tịch vinh danh các thẩm phán giỏi, thẩm phán mẫu mực…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm