Chánh án TAND Tối cao: ‘Chỉ mới xác định ông Chấn bị oan’

Sáng 13-3, phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã nóng ngay từ những phút đầu tiên khi Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương hỏi về năm vụ án mà dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là các vụ Nguyễn Thanh Chấn, Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Bá Mai và Hàn Đức Long.

“Trong năm vụ nổi cộm đó mới chỉ xác định vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) là oan” - Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết.

Hai vụ chưa có căn cứ kháng nghị

Câu hỏi đầu tiên của ông Đương là về vụ Hồ Duy Hải (Long An): “Bản án tử hình đối với Hải về tội giết người, cướp tài sản xảy ra từ năm 2008 có oan hay không? Tại sao Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá, bị án cũng từng có đơn xin thi hành án (THA) sớm mà đến nay lại hoãn THA?”.

Đáp lại, ông Bình nói đây không phải là vụ án bắt quả tang nên quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn. Quá trình điều tra, Hải nhận tội giết người. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra (CQĐT) xác minh một số chứng cứ gián tiếp khác về việc nhận tội của Hải. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hải nhận tội, khai không có bức cung, nhục hình. Phúc thẩm, Hải nói mình không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không rõ. Bản án phúc thẩm sau đó tuyên quá trình điều tra thu thập chứng cứ có một số sai sót, vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án và tuyên Hải án tử hình.

“Chúng tôi đã lập một tổ liên ngành do VKSND Tối cao chủ trì. Khi đoàn liên ngành vào hỏi, Hải vẫn nhận tội và đơn của Hải chỉ là xin được giảm án tử hình hoặc THA ngay nên chưa có căn cứ khẳng định Hải bị oan”. Theo ông Bình, vụ án này “chưa phát hiện ra căn cứ để kháng nghị” nhưng khi có kết quả giám sát của Quốc hội, liên ngành “sẽ xem xét hết sức thận trọng”.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đang trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.MINH

Về câu hỏi tại sao Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá nhưng lại tạm hoãn THA, ông Bình cho rằng “phải tôn trọng nguyện vọng của gia đình bị cáo và công luận. Mẹ bị cáo xin tạm hoãn THA và có đơn gửi Chủ tịch nước. Dư luận báo chí cũng đề cập đến vụ án. Chủ tịch nước yêu cầu chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao xem xét lại một lần nữa xem có oan hay không”.

“Chúng tôi thấy bản án kết tội Hồ Duy Hải chưa đủ căn cứ vững chắc. Tôi đã có bản kiến nghị 10 trang chỉ ra hàng chục sai sót và vi phạm trong bản án này. Kính mong đồng chí chánh án và viện trưởng VKSND Tối cao xem xét thận trọng để trả lời cho gia đình bị cáo và bảo đảm chúng ta trước khi thi hành hình phạt tử hình đối với một con người thì đã xem xét hết sức thận trọng” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tiếp lời.

“Chia lửa” cùng ông Bình, Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương sau đó thừa nhận trong vụ án, CQĐT mới chủ yếu tập trung củng cố lời khai, chưa chú trọng xác định tang chứng, vật chứng và những vấn đề liên quan khác…

Trả lời chất vấn của ông Đương là vì sao tình tiết như nhau, cùng bị kết án tội giết người, hiếp dâm trẻ em nhưng Lê Bá Mai (Bình Phước) bị tù chung thân còn Hàn Đức Long (Bắc Giang) lại bị tử hình, chánh án TAND Tối cao cho rằng đây là vấn đề áp dụng pháp luật của các HĐXX. “Chánh án TAND Tối cao phải tôn trọng quyết định của HĐXX, không can thiệp được. Còn khi xem xét có căn cứ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị để xem xét lại. Đối với vụ Hàn Đức Long, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị và Hội đồng giám đốc thẩm đã hủy án để điều tra lại” - ông Bình nói.

Ông Bình thừa nhận vụ Lê Bá Mai rất phức tạp: “Do chứng cứ phức tạp, việc đánh giá có khác nhau nên có lúc truy tố có tội, xét xử có tội, sau kháng nghị, xét xử lại không tội, rồi lại kháng nghị... Vụ án kéo dài có trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Quốc hội trước đây có giám sát, đánh giá phải xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng để có kết luận. Song song với việc Quốc hội giám sát, liên ngành đã kiểm tra lại vụ án và đã kết luận là không có căn cứ kháng nghị”.

Vụ Nguyễn Văn Chưởng: Không oan

“Hình phạt tử hình của Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) có thỏa đáng hay không?”. Đó là câu chất vấn thứ hai của ông Đương đối với Chánh án Trương Hòa Bình.

Theo hồ sơ, trong vụ án, Chưởng khởi xướng việc đi cướp nhưng không phải là người trực tiếp gây ra vết thương khiến người bị hại tử vong. Vụ án có kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị giảm hình phạt đối với Chưởng từ tử hình xuống tù chung thân nhưng sau đó Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã không chấp nhận. Theo Hội đồng Thẩm phán, Chưởng là người cầm đầu, chủ mưu, hậu quả đến đâu thì người cầm đầu phải chịu trách nhiệm đến đó… “Đây không phải là vụ án oan. Tất nhiên, nếu có kiến nghị của Quốc hội thì chúng tôi sẽ xem xét thận trọng” - ông Bình khẳng định.

Vụ Huỳnh Văn Nén kéo dài: Tòa, viện có trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) và đại biểu Đỗ Văn Đương có chung câu hỏi: Vụ án Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) kéo dài đã 16 năm, gia đình luôn kêu oan mà không được xem xét? Trong khi đó, từ năm 2000, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành có đơn tố giác hai đối tượng khác phạm tội giết bà Bông, cướp tài sản nhưng đến cuối năm 2014, VKSND Tối cao mới kháng nghị giám đốc thẩm.

“Đúng là có trách nhiệm của VKSND Tối cao và TAND Tối cao. Trong quá trình đó, các cơ quan tham mưu đã không kịp thời đánh giá đúng” - ông Bình thừa nhận. Ông Bình cũng giải thích thêm nguyên nhân dẫn đến oan sai là do “trước đây chủ yếu án tại hồ sơ mà thiếu tranh tụng, đánh giá toàn diện”.

Thượng tướng Lê Quý Vương sau đó cho biết hai đối tượng tự nhận đã gây án theo đơn của phạm nhân Thành thì một đã chết gần 10 năm trước, một trốn khỏi địa phương từ năm 1998 đến nay. “Chúng tôi đang lập chuyên án, tiếp tục truy xét làm rõ ông Nén có bị oan không” - ông Vương cho biết.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) hỏi đại diện của cả ba ngành tố tụng: “Vụ án Dương Chí Dũng đến nay đã kết thúc chưa? Nếu kết thúc thì có bỏ lọt tội phạm không, nhất là khi Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã mất và mới đây ông Nguyễn Bá Thanh, người nói sẽ đeo bám vụ án này đến cùng, cũng đã mất?”.

Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trả lời câu hỏi này nhưng ngay sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã kết thúc phiên chất vấn khiến câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Làm oan, mình chủ tọa chịu trách nhiệm hình sự?

Trả lời câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về tiến độ giải quyết bồi thường cho ông Chấn, ông Trương Hòa Bình cho hay nếu gia đình ông Chấn nộp xong các tài liệu chứng minh theo quy định thì sẽ giải quyết rốt ráo.

Liên quan đến vụ án, đại biểu Đỗ Văn Đương hỏi tiếp: “Nếu ông Phạm Tuấn Chiêm, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, bị xử lý hình sự thì có công bằng? Tất cả trường hợp tòa đã xét xử, kết án gây oan mà còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì có xử lý hình sự chủ tọa phiên tòa hay không?”.

Ông Bình đáp việc này do CQĐT của VKSND Tối cao khởi tố. Ông Bình băn khoăn: HĐXX độc lập, quyết định theo đa số, mỗi thành viên có quyền ngang nhau khi đưa ra quyết định nhưng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự một người thì có đúng không? “Tới giờ này, VKS đang điều tra, chưa chuyển hồ sơ truy tố ra tòa nên chưa đủ căn cứ xác định anh Chiêm có tội hay không. Tuy nhiên, nếu xét xử thì tới đây HĐXX cũng rất khó trong vấn đề này”.

Chống oan sai: Thực hiện tốt tranh tụng

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, một trong những nguyên nhân để xảy ra oan sai trong công tác điều tra là do chưa tập trung chứng minh sự thật khách quan. Đặc biệt là quan điểm “trọng cung hơn trọng chứng”, trong khi nguyên tắc là phải trọng chứng cứ, không dễ gì tin các lời khai.

“Thiếu sót ngay trong công tác tố tụng, chỉ tập trung công tác thu thập lời khai của đối tượng gây án, người bị hại, nhân chứng… mà chưa coi trọng công tác khám nghiệm, thu thập chứng cứ tại hiện trường, giám định, bảo quản chứng cứ. Nguyên nhân chủ quan là năng lực, phẩm chất, đặc biệt là trách nhiệm trong công tác điều tra, không tuân thủ quy trình điều tra. Cạnh đó là do tư tưởng thành tích, nôn nóng nên dễ dẫn đến sai phạm…” - ông Vương thừa nhận.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, đối với ngành tòa án, một trong những giải pháp đột phá để chống oan sai và bỏ lọt tội phạm là phải thực hiện tốt tranh tụng. Cần sửa luật, thiết kế tốt phần tranh tụng để làm sao phát huy vai trò luật sư, có thể để họ tham gia dự cung. Mặt khác, cần thực hiện tốt nguyên tắc người phạm tội không phải chứng minh mình không phạm tội... “Muốn như vậy phải nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán” - ông Bình nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm