Chặn ‘quân xanh, quân đỏ’ trong đấu giá

Tại phiên thảo luận hội trường sáng 19-11 về dự án Luật đấu giá tài sản, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “móc ngoặc, thông thầu” đang diễn ra phổ biến trong hoạt động đấu giá tài sản khiến ngân sách thất thu một cách nghiêm trọng.

Luật hở gây thất thoát lớn

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nói: “Do khuôn pháp luật thiếu chặt chẽ và đạo đức của một bộ phận đấu giá viên yếu kém, tiêu cực trong thực tiễn thi hành nhiệm vụ nên tình trạng thông đồng, “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động đấu giá diễn ra nhiều nơi. Điều này làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá. Nhất là trong đấu giá tài sản thi hành án dân sự, tình trạng trên đang gây thất thoát cho ngân sách nhà nước rất nhiều”.

ĐB Nam cho hay có nơi giao trung tâm đấu giá đất tổ chức đấu thầu 3 ha đất với “đề bài” là quy hoạch trung tâm thương mại, giá khởi điểm 1 m2 là 30 triệu đồng. Sau khi nghiên cứu thì các nhà đầu tư đều thấy dự án không khả thi và không mua hồ sơ đấu giá. Chỉ có một nhà đầu tư đến và được chỉ định mua hồ sơ để đấu giá dự án này. Sau khi trúng thầu mấy tháng, nhà đầu tư này xin chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất trên từ trung tâm thương mại thành chung cư, khách sạn rồi phân lô bán nền với giá lên đến 60 triệu đồng/m2.


ĐBQH Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đang phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật đấu giá tài sản ngày 19-11. Ảnh: QH

“Đây chính là kẽ hở trong luật” - ĐB Nam nói và cho rằng khi luật đưa ra tiêu chí thì đấu giá phải đúng như quy định (trong trường hợp này là theo quy hoạch và thiết kế như ban đầu). Còn không làm đúng thì phải có quy định: Khi có điều chỉnh quy hoạch do một lý do nào đó khách quan thì nhà đầu tư đó phải nộp thêm tiền vào ngân sách nhà nước. “Không thể để kẽ hở. Còn nếu không làm đúng như quy định thì người đưa ra đấu giá, đưa ra chủ trương phải chịu trách nhiệm khi làm thất thoát ngân sách nhà nước và phải có chế tài cụ thể. Nếu đấu thầu các nhà công sản của Nhà nước mà không đưa vào quy định này thì có thể thất thu nữa” - ông Nam nêu ý kiến.

Nên thay bằng tổ chức đấu giá uy tín

Đồng tình với điều này, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cũng cho rằng: “Có tình trạng cơ quan, đơn vị sau khi ký hợp đồng với đơn vị đấu giá để bán tài sản thì thiếu kiểm tra, giám sát. Thực tế này dẫn tới tiêu cực trong bán đấu giá làm thất thoát tài sản của Nhà nước”. ĐB Tiếp đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá (Điều 45 dự thảo luật) để họ giám sát quá trình đầu giá, yêu cầu dừng cuộc đấu giá khi phát hiện “vi phạm thủ tục đấu giá hay có hiện tượng thông đồng, có dìm giá”. Hoặc đơn phương chấm dứt, hủy hợp đồng đấu giá tài sản hoặc hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hoặc đề nghị tòa án tuyên hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản vô hiệu theo quy định pháp luật.

Mổ xẻ thêm những khiếm khuyết của môi trường, hoạt động đấu giá hiện hành, các ĐB cho rằng mô hình hội đồng đấu giá, trung tâm đấu giá hiện nay không còn phù hợp mà phải thay vào đó là những tổ chức đấu giá có uy tín. “Cần phải tạo ra những doanh nghiệp đấu giá để họ có thể cạnh tranh phát triển bằng uy tín… Trung tâm nào không uy tín, không ai tới đấu giá nữa thì làm quy trình như luật này là chuyển thành các doanh nghiệp. Còn nếu tồn tại được thì cứ tồn tại… nhưng Nhà nước phải có nhiệm vụ tổ chức để làm việc này (nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa)” - ĐBQH Trần Du Lịch nói.

Một số ý kiến cho rằng việc lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản phải công khai, minh bạch, chống việc chọn doanh nghiệp sân sau. Đồng thời thủ tục chọn doanh nghiệp phải chặt chẽ hơn để loại bỏ tình trạng nêu trên và dễ dàng lựa chọn được doanh nghiệp đấu giá có năng lực…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm