Chặn ngay việc lợi dụng thủy điện để triệt phá rừng

Ngày 4-11 là ngày thứ hai Quốc hội (QH) thảo luận về kinh tế - xã hội. Hậu quả của bão, lũ miền Trung vẫn nóng lên trong từng ý kiến các đại biểu (ĐB) QH. Trong đó, chiếm đại đa số là những ý kiến về mối quan hệ giữa thủy điện - phá rừng - sạt lở, lũ lụt…

Phá rừng kiếm lời trước rồi mới làm thủy điện

Gần cuối trưa 4-11, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) phát biểu, nhắc lại chuỗi sự việc xảy ra với các thủy điện vừa và nhỏ vào mùa mưa 2018. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và UBND một số tỉnh loại bỏ 474 dự án thủy điện và 213 điểm ở các tỉnh miền núi, trung du, Tây Nguyên và một số tỉnh ven biển có khả năng tác động xấu tới môi trường và xã hội, không mang lại lợi ích về mặt kiểm soát lũ lụt, thủy lợi và sản xuất điện.

“Qua đó cho thấy việc phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ thể hiện cơ chế, chính sách phát triển thủy điện chưa có rào cản thích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm ẩn rủi ro cao có thể dẫn tới một số hậu quả như phá vỡ sinh kế và mất rừng” - ĐB Dung nói.

Theo ĐB Dung, 25 thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 ha rừng của 26.000 hộ dân hoặc hồ chứa, đập thủy điện đã gây ra động đất cường độ nhỏ. ĐB Dung còn cho rằng các thủy điện nhỏ và vừa ảnh hưởng đến nguồn nước hạ lưu và sự vận chuyển của trầm tích thay đổi dòng chảy…

Bà Dung cho hay: “Người ta xây dựng thủy điện với lý do điều tiết nước nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lời từ cây rừng bị chặt phá rừng là chính, rồi sau đó mới gọi là khai thác năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Khi mục đích chính của họ là khai phá thì sẽ tước mất lá chắn hữu hiệu của rừng là giữ nước và để điều tiết các dòng chảy”.

Nhằm làm rõ, mạnh hơn ý kiến của mình, ĐB Dung trích dẫn số liệu: Bình quân các nhà máy điện loại nhỏ, cứ 1 MW thì sẽ phải chặt bỏ từ 1 đến 10 ha rừng. “Ở dự án vào Rào Trăng 3, công suất 11 MW chiếm mất 110 ha rừng và dự án Rào Trăng 4 thì công suất 14 MW chiếm mất 168 ha rừng bảo tồn thiên nhiên của huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế”.

Trước đó, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng kiến nghị đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và cả các tỉnh miền núi phía Bắc. “Trong thực tế, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là lợi bất cập hại, sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho hạ lưu, trong khi rừng, cây rừng và các loại tài nguyên khác bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp”.

Đại biểu Trần Thị Dung (trái, Điện Biên) và đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP

ĐB Nguyễn Thị Xuân nói: “Thực tế cho thấy đã có nhiều chủ dự án thủy điện sau khi được cấp giấy phép xây dựng xong đã nhanh chóng bán lại dự án thủy điện cho các chủ đầu tư khác. Đây cũng là lúc họ đã khai thác cơ bản các nguồn tài nguyên khoáng sản nằm trong và ven khu vực có dự án”. Từ đó, ĐB Xuân đề nghị kiểm tra xem có bao nhiêu thủy điện vừa và nhỏ đã sang tên cho chủ đầu tư khác.

Sớm trồng lại rừng

ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhắc lại chuyến đi thăm các tỉnh miền Trung của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây và tâm đắc với việc Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tính toán lại vấn đề phát triển thủy điện an toàn, trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, góp phần giảm sạt lở đất.

“Đây là việc cần phải làm ngay nếu không muốn tiếp tục hứng chịu thiên tai khủng khiếp như vừa qua. Đề nghị Chính phủ cho kiểm tra, rà soát lại toàn bộ thủy điện đã, đang thi công có đúng quy định của pháp luật không cả về thẩm quyền phê duyệt, cả về đánh giá ĐTM, hiệu quả của thủy điện nhỏ và việc xử lý hậu quả sạt lở đất vừa qua như thế nào” - ĐB Sơn kiến nghị.

ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), ĐB Trần Thị Dung đề cập đến nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, lũ quét, lũ ống… một phần do diện tích rừng che phủ bị thu hẹp và đề nghị bố trí kinh phí hoặc có nghị quyết về di dời dân khỏi những nơi có nguy cơ ấy.

“Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án liên quan đến việc thu hẹp, chuyển đổi đất rừng tự nhiên, đồng thời có giải pháp phù hợp, phải tính đến 30 năm, 50 năm để phục hồi và phát triển rừng tự nhiên” - ĐB Trang nói.

ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị phải quản lý, vận hành tốt hệ thống hồ, đập, kênh dẫn nước… ở các vùng khó khăn, vùng ngập lụt. Cụ thể, Chính phủ bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn kịp thời nâng cấp 1.200 hồ chứa, sửa chữa 200 hồ hư hỏng nghiêm trọng, có giải pháp phù hợp với 4.000 hồ do cấp huyện, xã đang quản lý.

ĐB Nguyễn Thị Xuân cho rằng an ninh nguồn nước phải gắn liền với phòng, chống thiên tai, lụt bão và vấn đề an ninh năng lượng. “Đó là vấn đề rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, an toàn hồ đập, vấn đề xây dựng thủy điện vừa và nhỏ. Tôi kiến nghị QH và Chính phủ tiếp tục cho thực hiện chương trình trồng rừng tương tự như chương trình trồng rừng 327 trước đây” - ĐB Xuân nói.

Lũ, sạt lở đất là do thời tiết dị thường

Trước đây, rất nhiều dự án thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên và gây ra những ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn. Thực hiện chỉ đạo của QH và các cấp có thẩm quyền, từ năm 2016, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành đưa chỉ tiêu là tuyệt đối không bổ sung bất kỳ dự án thủy điện nào nếu sử dụng diện tích đất rừng tự nhiên.

Về câu chuyện thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến ngập lụt, sạt lở đất và đặc biệt hôm nay được ĐB Trần Thị Dung đề cập, xin được báo cáo: Qua khảo sát thực tế ở các địa phương và đánh giá của các nhà chuyên môn, cơ quan chức năng thì trước mắt chúng ta phải khẳng định rằng những câu chuyện sạt lở đất gây ra những tổn hại rất nghiêm trọng về người và của tại Quảng Trị, Huế, Quảng Nam đều gắn chặt với yếu tố là tính dị thường, cực đoan của thời tiết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương TRẦN TUẤN ANH

Thủy điện: Nguồn di sản có hại cho 40-50 năm sau

Tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố chúng ta đang bàn về cái lợi hại của hệ thống các thủy điện nhỏ.

Chúng ta mới bàn đến câu chuyện ngày hôm nay thôi nhưng giả dụ 40-50 năm nữa, khi đã hết khấu hao, khi đã không còn hiệu quả kinh tế thì tất cả công trình xây ở nơi rừng sâu núi thẳm này sẽ là một quả bom nổ chậm. Nguồn tài lực nào, nguồn nhân lực nào quản lý nó?

Ngay từ bây giờ, khi xây dựng, chúng ta phải thấy kết cục của nó thế nào. Chắc chắn đó sẽ là một “di sản” mà sau này thế hệ con cháu chúng ta phải lo.

Cũng như một số điện chúng ta gọi là “sạch” hiện nay, nếu hàng vạn mét vuông của điện mặt trời khi không được sử dụng nữa, trở thành rác sẽ là nguồn gây ô nhiễm như thế nào?

ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm