Chân dung những ‘bộ não’ điều tra

Thế nhưng “Tài liệu Panama” sẽ không thể tồn tại nếu thiếu đi hai cái tên quan trọng: Bastian Obermayer và Gerald Ryle.

Là phóng viên điều tra tài chính “lão làng” của tờ Süddeutsche Zeitung (Đức), Bastian Obermayer (ảnh) chính là người đầu tiên được “người thổi còi” liên hệ thông qua tin nhắn mã hóa bảo mật và đề nghị tiết lộ thông tin. Trả lời trang bình luận Wired, Obermayer cho biết anh đã phải trao đổi với nguồn tin qua nhiều kênh mã hóa khác nhau. Các kênh mã hóa này được thay đổi liên tục, từ các ứng dụng tin nhắn bảo mật như Signal hay Threema đến các thư điện tử mã hóa PGP. Mỗi lần trao đổi anh lại phải xóa toàn bộ lịch sử trao đổi trước đó để đảm bảo độ bí mật tuyệt đối. Mỗi lần thiết lập lại liên lạc, Obermayer và nguồn tin của mình lại sử dụng những mật hiệu để xác nhận có đúng người mình trao đổi trước đó hay không.

Đến nay, phương thức mà Obermayer tác nghiệp để có được toàn bộ số tài liệu vẫn là bí ẩn lớn trong làng báo chí điều tra thời đại công nghệ cao. Nhà báo người Đức vẫn từ chối tiết lộ cách thức anh trao đổi tuyệt mật với nguồn tin. Anh cũng không chịu tiết lộ cách tờ báo nhận hàng trăm gigabyte hay cả terabyte dữ kiện trong một lần gửi của “người thổi còi”. Theo tờ Wired, lượng dữ kiện này quá lớn để gửi qua mạng bằng các cách thức hiện nay, còn gửi ổ cứng mã hóa qua bưu điện thì khó đảm bảo tính an toàn. “Tôi đã học thêm được rất nhiều về cách chuyển lượng dữ liệu lớn an toàn” - Obermayer chia sẻ một cách bí ẩn. Chỉ vài tuần trước khi chính thức liên hệ với hãng luật Mossack Fonseca - tâm điểm của vụ điều tra, Bastian Obermayer đã tự tay phá hủy máy tính và điện thoại từng dùng để liên lạc với nguồn tin. Anh chia sẻ: “Cách đó có vẻ cực đoan nhưng tôi thà an toàn còn hơn sau này hối hận”. Theo Obermayer, “người thổi còi” khi liên hệ với anh đã khẳng định rằng “tính mạng đang bị đe dọa”. Đến nay danh tính của nguồn tin này vẫn còn là một bí ẩn.

Tuy nhiên, các thư điện tử và thông tin hợp đồng mà tờ Süddeutsche Zeitung nhận được sẽ chỉ là kho dữ liệu khổng lồ nhưng vô tri. Mạng lưới điều tra tạo nên “Tài liệu Panama” sẽ không thể tàng hình nếu như thiếu bàn tay của Gerald Ryle, Giám đốc chương trình Liên minh Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), trụ sở tại Washington, D.C. (Mỹ). Sau khi nhận được một phần kho dữ liệu, tờ báo Đức đã liên hệ với ICIJ và đề nghị người của tổ chức này bay đến Munich để hợp tác cùng các phóng viên của tờ báo. Dưới sự điều phối của Ryle, nhà báo lão làng tại Úc và Ireland, ICIJ đã thiết lập một mạng lưới nhà báo trải rộng toàn thế giới cùng tham gia điều tra, bao gồm nhiều tờ báo lớn tại hơn 80 quốc gia. Các chuyên viên của ICIJ đã xây dựng một hệ thống tìm kiếm mã hóa cho toàn bộ kho dữ liệu khổng lồ. Tổ chức này cũng xây dựng một hệ thống tin nhắn trực tuyến với độ bảo mật cao. Với mạng lưới rộng khắp, nhà báo có thể trao đổi và nhờ hỗ trợ làm rõ thông tin trong những tài liệu viết bằng các ngôn ngữ khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm