Chấn chỉnh nạn cho vay lãi nặng

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM, nhiều đại biểu nêu tình trạng tín dụng đen gây nhiều hệ lụy đang diễn ra trên địa bàn, tình trạng lừa đảo, cướp giật ở khu trung tâm và đề nghị Công an TP nêu giải pháp.

Luật gỡ vướng cho việc xử lý tín dụng đen

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng người dân đang rất bức xúc bởi các đối tượng lộng hành khắp nơi, thách thức công quyền, đẩy nhiều gia đình vào cảnh điêu đứng. “Khó khăn lớn nhất của lực lượng hình sự khi xử lý các vi phạm liên quan đến tín dụng đen là gì và giải pháp nào được coi là căn cơ để giải quyết tín dụng đen?” - bà Trâm đặt vấn đề.

Trả lời đại biểu, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết hiện còn 51 nhóm với gần 180 người có dấu hiệu cho vay lãi nặng hoặc đòi nợ trái pháp luật. So với năm ngoái con số này đã giảm gần nửa (năm 2018 còn 94 nhóm với hơn 380 người).

Ông cho hay: Năm 2018 không xử lý được vụ hình sự nào thì năm nay đã khởi tố được chín vụ với 31 người và xử lý chung 38 nhóm với 168 người liên quan cho vay lãi nặng. “Chúng tôi xác định hành vi này là hành vi trái pháp luật nhưng quy định của pháp luật dù đã được cụ thể hơn nhưng vẫn còn những khó khăn trong việc chứng minh các dấu hiệu tội phạm để xử lý hình sự” - ông Phong trăn trở.

Người đứng đầu Công an TP khẳng định thời gian tới sẽ nắm tình hình sâu hơn nhằm chứng minh được hành vi cụ thể và xử lý hiệu quả hơn. “Trước đây cho vay lãi nặng rất khó chứng minh, giờ pháp luật điều chỉnh theo hướng bỏ yếu tố chứng minh người cho vay chỉ sống bằng nghề cho vay, chỉ cần chứng minh được lãi suất vi phạm mức nào đó thì có cơ sở để xử lý” - ông Phong nói.

Đối với các hành vi đe dọa, hăm dọa, tạt chất bẩn, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết do sự đấu tranh quyết liệt nên đã hạn chế bớt, không còn rộ nhiều như cuối năm 2018.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định trách nhiệm của ngành công an phải chủ động, phát hiện ngay từ đầu để ngăn chặn, không để xảy ra hành vi này, bởi nó vừa xâm phạm đến trật tự công cộng, vừa xâm phạm sự an toàn của những người đang bị đòi nợ. “Chúng tôi đã có kiến nghị và UBND TP đã tiếp thu, kiến nghị với Chính phủ là không chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê” - ông nói.

Theo ông, những doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ thuê thường có đối tượng xấu ẩn nấp, cách thức đòi nợ thuê là khủng bố tinh thần gây căng thẳng cho con nợ, gây mất trật tự công cộng...

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong trả lời chất vấn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chấn chỉnh lực lượng hình sự đặc nhiệm

Liên quan đến hoạt động lừa đảo thông qua bán đất nền mà đại biểu đề cập, ông Lê Đông Phong cho rằng Công an TP phải tăng cường trách nhiệm nắm hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản.

“Quan trọng nhất là phải thông tin đến người dân để người dân cảnh giác hơn khi mua bán nhà, đất. Cùng với đó là tuyên truyền để người dân có trách nhiệm tìm hiểu tính xác thực của giao dịch đó” - ông Phong nói.

Dẫn chứng vụ án Alibaba, Trung tướng Lê Đông Phong cho rằng khó khăn lắm Công an TP mới khởi tố được vụ án để xử lý những người liên quan.

“Ban đầu chỉ có hai đơn tố cáo nhưng đến nay rất nhiều đơn. Người ta vẫn tin những gì công ty nói là sự thật, chứng tỏ người dân thiếu thông tin” - ông nói và cho biết thêm là nhiều người bị lừa do hấp dẫn bởi lãi suất hứa hẹn dù không có căn cứ gì về mức lãi suất đó.

Tại phiên chất vấn, đại biểu cũng trăn trở về lực lượng hình sự đặc nhiệm hướng Nam và mong muốn được mở rộng lực lượng này sang nhiều hướng khác. “Tại khu vực trung tâm TP có nhiều đối tượng cướp giật ăn mặc rất sang trọng, chạy xe máy xịn để giật điện thoại của khách nước ngoài trắng trợn. “Lực lượng này có được xử lý hay không?” - đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo đặt câu hỏi.

Trung tướng Lê Đông Phong cho biết hiện nay theo mô hình tổ chức mới của Công an TP thì chỉ tổ chức cảnh sát hình sự đặc nhiệm ở cấp TP và ở cấp quận/huyện. “Bộ trưởng Bộ Công an cũng có chỉ đạo TP.HCM nghiên cứu cụ thể tình hình thực tế để có suy nghĩ, đề xuất mô hình phù hợp để lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm hoạt động có hiệu quả hơn” - ông Phong thông tin.

Theo tướng Phong, lực lượng hình sự đặc nhiệm có vai trò rất quan trọng và phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhưng công tác nghiệp vụ của lực lượng này phải có chiều sâu hơn, chủ động nắm tình hình, phải có định hướng trước mới ngăn chặn được đối tượng. Chứ nếu hình sự đặc nhiệm đi tuần tra mà không có mục tiêu thì không khác gì cảnh sát cơ động sẽ rất lãng phí. Từ đó ông khẳng định Công an TP đang có hướng chấn chỉnh để lực lượng này hoạt động hiệu quả.

Về hoạt động của Tổ công tác 363, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết tổ này đã góp phần kéo giảm tội phạm trong tình hình rất phức tạp năm qua, đã giảm được sâu và có phần ngăn ngừa được tội phạm. Nhức nhối nhất là cướp giật nhưng cũng giảm được 10%. “Cướp giật dù xảy ra một vụ cũng là gây chấn động, bất an nên chúng tôi không bao giờ tự mãn trước kết quả thống kê mà thấy rằng làm sao cho hiệu quả hơn” - tướng Phong nói.

Để khắc phục tình trạng thiếu cảnh sát khu vực, Công an TP.HCM chỉ bố trí 31% công an ở cấp TP, còn lại đưa xuống cơ sở.

Công an điều tiết trong nội bộ lực lượng để làm sao ở những địa bàn phường loại 1 (phức tạp về an ninh trật tự) là không để thiếu cảnh sát khu vực. Còn những nơi không phức tạp thì cảnh sát khu vực có thể vai trò chính ở “ô” này nhưng kiêm nhiệm ở “ô” khác, nhằm khắc phục tình trạng thiếu người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm