Chậm lắp dải phân cách, tai nạn còn tiếp diễn ở Bình Thuận

Ngày 23-7, hai ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn làm tám người thiệt mạng, tin từ BV đa khoa Bình Thuận cho biết: Sức khỏe các bệnh nhân đang điều trị tại đây và chuyển viện theo yêu cầu của gia đình tiến triển tốt, không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng.

Liên quan đến việc kéo giảm những vụ tai nạn thảm khốc ở địa phương, một cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận nói: Quốc lộ (QL) 1A do Bộ GTVT quản lý và tỉnh đã kiến nghị nhiều năm nhưng việc triển khai quá chậm.

Lắp dải phân cách: Giảm ngay tức khắc tai nạn

Liên quan đến cuộc họp khẩn vào chiều 21-7 ngay trong ngày xảy ra tai nạn thảm khốc, một thành viên trong cuộc họp nói: Bình Thuận đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp và Bộ GTVT đã ghi nhận. “Nhưng theo tôi, chẳng cần họp hành, giải pháp gì lớn lao mà chỉ cần mở rộng nền đường, lắp dải phân cách là các vụ tai nạn đối đầu thảm khốc tại những điểm đen ở Bình Thuận sẽ giảm ngay, giảm ngay tức khắc” - vị này khẳng định.

QL1A qua tỉnh Bình Thuận dài 183 km, là địa phương có chiều dài QL1 đi qua dài nhất nước và có đến 25 điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT).

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, trong 25 điểm đen về TNGT thì huyện Hàm Thuận Nam có đến tám điểm!

Một trong những điểm đen tồn tại lâu năm là cầu Ông Hạnh ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam. Cây cầu nhỏ này nằm ngay khúc quanh, không có độ nghiêng cần thiết và đã có hàng trăm phương tiện va quẹt vào thành cầu, lọt xuống suối. Chân cầu dày đặc miếu người dân lập lên để nhang khói cho những người xấu số.

Một trong những điểm đen nhức nhối nhất nữa ở Bình Thuận là Km 1754 trên địa bàn huyện Hàm Tân. Nơi đây đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Giữa năm 2008, vụ TNGT giữa xe tải, xe khách và xe đầu kéo làm 15 người chết, 18 người bị thương.

Cũng tại địa điểm này, vào tháng 6-2010, ba xe khách tông nhau làm bốn người thiệt mạng và 38 người bị thương.

Nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng hầu hết là do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, xảy ra trong chiều tối và sáng sớm, xe cộ lưu thông ít. Bên cạnh đó, hạ tầng chưa đảm bảo, việc duy tu, sửa chữa đường, sơn kẻ vạch cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Điển hình như đoạn qua hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân, khi sửa chữa rải thêm nhựa đường, đơn vị thi công cho rải mặt đường cao 20-30 cm nhưng hai bên lề đường lại không gia cố, tạo sự chênh lệch lớn giữa đường và lề. Tại các khu vực đông dân cư, đường cua tầm nhìn hạn chế cũng chưa có gờ giảm tốc độ.

Đặc biệt gần như toàn bộ tuyến đường BOT do Công ty 319 đầu tư đều không có cống thoát nước nên người dân mạnh ai nấy đắp để tránh nước tràn vào nhà khiến QL1 đoạn qua khu vực này càng tồi tệ hơn.

Đoạn đường có ngã rẽ vào Khu du lịch núi Tà Cú và ngã ba chợ Km 30, lượng xe cộ qua lại rất cao nhưng thiếu đèn tín hiệu, rất dễ xảy ra tai nạn.

Trước tình trạng này, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã có công văn kiến nghị giải quyết những tiềm ẩn nguy cơ TNGT tại hai điểm trên.

Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận cũng đã kiến nghị Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 có phương án xử lý hai điểm này. Tuy nhiên, tuyến đường thuộc dự án BOT nên Cục Quản lý đường bộ IV chỉ yêu cầu đơn vị quản lý BOT lập hồ sơ xử lý điểm đen, còn đơn vị BOT có làm hay không lại là chuyện khác.

Một cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận nói: Những điểm đen dù tỉnh có biết cũng chỉ kiến nghị vì đầu tư, khắc phục thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và đơn vị BOT. Tỉnh có nóng ruột cũng chỉ biết đề xuất mà thôi.

Cầu Ông Hạnh ở huyện Hàm Thuận Nam là một trong các điểm hay xảy ra tai nạn. Ảnh: P.NAM

Những ô tô tải rơi xuống cầu Ông Hạnh được cẩu lên. Ảnh: PN

Nhà đầu tư báo cáo không trung thực?

Bốn năm trước, tháng 5-2016, sau khi xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam làm 13 người thiệt mạng, 39 người bị thương, tỉnh Bình Thuận và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức khảo sát ở địa điểm xảy ra tai nạn.

Sau cuộc khảo sát này, nền đường được mở rộng, lắp dải phân cách và thực tế hơn bốn năm qua tại đoạn đường này không hề xảy ra vụ đối đầu nghiêm trọng nào.

Thời điểm trên, các cơ quan chức năng xác định dự án cải tạo nền mặt đường QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai do Tổng Công ty 319 thi công (đưa vào khai thác và thu phí từ tháng 3-2015) có đến 84 km bề rộng mặt đường 12-14 m chưa có dải phân cách, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.

Sau khi khảo sát, Tổng cục Đường bộ đề xuất phương án mở rộng mặt đường lên 16 m, lắp đặt dải phân cách và sơn vạch kẻ đường, bổ sung hệ thống báo hiệu an toàn giao thông theo quy định. Tổng chiều dài tuyến mở rộng là 35,8 km và cải tạo ba cầu không đồng bộ với tuyến gồm cầu Phú Sung, cầu Ông Hạnh ở huyện Hàm Thuận Nam và cầu Tà Mon ở huyện Hàm Tân.

Muốn kéo giảm những vụ TNGT đối đầu thì chỉ cần đầu tư theo hợp đồng đã ký nhưng thời gian cứ kéo dài, TNGT cứ xảy ra mà không thấy triển khai. Có lẽ họ đang chờ đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và có lẽ họ sợ khi mở rộng nền đường QL1, lắp dải phân cách thì đường cao tốc ít ai chọn đi nên chậm hoàn vốn chăng?

Một cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận 

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ rà soát, tổng hợp phương án mở rộng mặt đường, lắp đặt dải phân cách QL1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận và sau đó hợp đồng với nhà đầu tư đã ký kết từ năm 2017, thế nhưng tất cả vẫn không thay đổi.

Nóng ruột, tháng 4-2020, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã đi khảo sát và có công văn gửi Bộ GTVT về cầu Tà Mon (huyện Hàm Tân) xuống cấp, thành điểm đen TNGT, đề nghị đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Nội dung văn bản cho biết Bộ GTVT đã kiểm tra, thẩm định thiết kế... và đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán các hạng mục bổ sung để tổ chức triển khai trên hiện trường.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, phạm vi thi công cầu Tà Mon đã được nhà đầu tư bàn giao các mốc giới cho chính quyền địa phương từ tháng 11-2019 để triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chính quyền huyện Hàm Tân chưa bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Thế nhưng chiều 22-7, trao đổi với chúng tôi, ông Văn Quý Ngọc, Chủ tịch huyện Hàm Tân, tỏ vẻ ngạc nhiên về những thông tin này.

Theo ông Ngọc, cầu Tà Mon không hề vướng mặt bằng, tất cả người dân có đất ở khu vực này đều vui và đồng tình nếu mở rộng cầu và đều có đơn xin hiến đất. “Ngay từ khi có chủ trương sửa chữa, mở rộng cầu Tà Mon, chính quyền địa phương lúc nào cũng sẵn sàng giao mặt bằng cho nhà đầu tư, đơn vị thi công” - ông Ngọc khẳng định.

Vẫn biết doanh nghiệp nếu đầu tư luôn đặt lợi nhuận nhưng mạng sống con người quý hơn tiền, quý hơn rất nhiều!

10 tháng, 196 người chết vì tai nạn

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận, trong 10 tháng đầu năm 2019, tỉnh xảy ra 348 vụ TNGT, làm chết 196 người, bị thương 260 người. So với cùng kỳ năm 2018, TNGT tăng cả ba mặt về số vụ, số người chết và bị thương. TNGT xảy ra tập trung trên tuyến QL1A và các tuyến đô thị ở TP Phan Thiết.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn, ngoài lỗi của tài xế thì có nguyên nhân cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo trong khi lượng ô tô, xe máy tăng đột biến, gây áp lực lớn đến hạ tầng giao thông.

Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2019, ô tô đăng ký mới là hơn 3.600 xe (tăng hơn 1.000 xe so với cùng kỳ); xe máy đăng ký mới hơn 59.300 xe (tăng hơn 11.600 xe).

(Theo mt.gov.vn) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm