Chấm dứt tình trạng đầu tư ‘chui’, núp bóng

Ngày 18-7, Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm.

Ngăn chặn chuyển giá

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay một trong những điểm nổi bật trong những nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT là vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thừa nhận FDI đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng cũng còn tồn tại nhiều bất cập, Bộ trưởng Dũng cho hay: Trên cơ sở 30 năm thu hút FDI, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.

Một trong những điểm mấu chốt của chiến lược này là xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc về suất đầu tư, sử dụng lao động; xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh. Cùng đó là nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới

Bên cạnh đó, chiến lược thu hút FDI cần kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

“Kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư núp bóng; kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, nâng khống giá trị máy móc, thiết bị; ngăn ngừa, xử lý các vi phạm về môi trường” - Bộ trưởng Dũng nói.

Về chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay Bộ Chính trị đã đồng ý và ra nghị quyết về nội dung này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm của Bộ KH&ĐT, ngày 18-7. Ảnh: CHÂN LUẬN

Còn 3 tỉ USD cần giải ngân

Về tình trạng giải ngân vốn đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay thực trạng giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm đạt thấp so với yêu cầu đề ra. Bộ trưởng Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, đôn đốc, thúc đẩy giải ngân các dự án do bộ, ngành, địa phương mình quản lý.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cũng thừa nhận tại hội nghị là sáu tháng đầu năm, vốn đầu tư mới đạt 27,7%, tỉ lệ này rất thấp. Giải ngân vốn trong nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA đều thấp. Về ODA, Thứ trưởng Hải nói theo thống kê của Bộ Tài chính thì hiện còn trên 3 tỉ USD cần giải ngân nhưng chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Ông đề nghị cần kiến nghị Thủ tướng ra chỉ thị thúc đẩy giải ngân vốn ODA.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ KH&ĐT đã lập nhiều đoàn kiểm tra và cần phải tạo ra chuyển biến căn bản.

“Quốc hội đã cho phép giảm 60.000 tỉ trái phiếu chính phủ để tăng giải ngân ODA. Trước đây ta cứ kêu nhưng giờ đã cho phép giải ngân theo dự toán thì vấn đề ở đây là gì? Các ủy ban của Quốc hội cũng đồng ý là trước mắt giải ngân vốn ODA. Chúng ta có dám hứa là từ giờ tới cuối năm tạo ra chuyển biến trong giải ngân vốn ODA hay không?” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

“Không vì lợi ích cục bộ”

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay điểm nổi bật trong công tác xây dựng thể chế là Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua sau hai năm xây dựng và hoàn thiện. “Bộ KH&ĐT đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn công tác quản lý đầu tư công trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới mạnh mẽ, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ…” - Bộ trưởng Dũng nói.

Đồng tình với Bộ trưởng Dũng, trong phần phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay chiều 17-7, lúc kết thúc phiên họp Thường trực Chính phủ, ông có báo cáo Thủ tướng việc ngày 18-7 sẽ dự hội nghị sơ kết của Bộ KH&ĐT. “Hôm nay Thủ tướng gọi điện bảo tôi nhấn mạnh rằng: Bộ KH&ĐT phải xác định xây dựng thể chế, chính sách để kiến tạo, phát triển như một chức năng bao trùm. Bên cạnh việc xây dựng các dự án, công trình, kế hoạch vốn… thì thể chế là rất quan trọng” -Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm