Chấm điểm để xử lý cán bộ kém

“Năm 2013, Thanh Hóa có hơn 300 lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức bị từ phê bình, khiển trách cho đến buộc thôi việc do vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ ở ngành được phụ trách, cơ quan nơi làm việc. Riêng năm 2014 có khoảng 396 công chức, viên chức trên địa bàn không hoàn thành nhiệm vụ đang chờ quyết định xử lý cụ thể của UBND tỉnh”. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Xuân Dũng đã cho biết như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc xử lý cán bộ dựa trên số điểm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cán bộ ở tỉnh này.

Siết từng điểm một

. Phóng viên:Thời gian gần đây dư luận hết sức ủng hộ quyết định xử lý mạnh tay dựa trên kết quả “chấm điểm” mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những người đứng đầu các cơ quan ở tỉnh Thanh Hóa. việc này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Xuân Dũng: Việc triển khai đánh giá về mức độ hoàn thành công việc từ cấp giám đốc các sở, cơ quan ngang sở, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cho đến nhân viên trực thuộc các ban, ngành UBND tỉnh Thanh Hóa được triển khai cách đây bốn năm nhưng còn quá chung chung, định tính thôi. Từ năm 2013, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ, các cơ quan liên quan phải chấm điểm đánh giá mức độ hoàn thành công việc cụ thể theo từng đầu công việc và phải định lượng chính xác đến từ 0,5 điểm (bảng điểm 100).

Đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ (tức số điểm dưới 50) sẽ bị xử lý nghiêm theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, kể cả lãnh đạo các sở, cơ quan ngang sở sẽ bị điều chuyển hoặc chuyển đổi công việc nếu trong một nhiệm kỳ có hai năm không hoàn thành nhiệm vụ.

. Có ý kiến cho rằng việc chấm điểm, thẩm định ít nhiều sẽ có ưu ái cho một số người thân tín?

+ Tôi khẳng định rằng không có chuyện đó, dù là con cháu, thân tín với ai. Toàn bộ quy trình chấm điểm, đánh giá đều phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ. Đến nay tất cả đơn vị thừa nhận việc chấm điểm là đúng, xử lý chính xác, khoa học và khách quan.

Việc chấm điểm không đơn thuần là chấm điểm hoặc dựa trên báo cáo của các đơn vị để trình chủ tịch UBND tỉnh mà tổ thẩm định có trách nhiệm làm rõ đến từng điểm. Khi trừ điểm thì phải có cơ sở căn cứ, lý do cụ thể. việc cho thêm điểm cũng phải chứng minh được năng lực biểu hiện bằng việc làm ra sao chứ không thể tùy tiện nâng lên hạ xuống. Chúng tôi - những người trong tổ thẩm định phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình. Nếu làm sai chúng tôi cũng bị xử lý nghiêm.

Sau khi có kết quả sẽ được công khai rộng rãi trên các phương tiện đại chúng để người dân được biết. Kết quả này cũng được gửi đến các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

Tranh luận nảy lửa để thuyết phục nhau

. Trong quá trình thẩm định các điểm số, làm sao để tránh tiêu cực, chẳng hạn chạy chọt để thay đổi kết quả, thưa ông?

+ Ban đầu triển khai cũng nhiều ý kiến nghi ngờ như thế. Nhưng chúng tôi quán triệt rất rõ về kỷ luật và mục đích của việc chấm điểm này. Thường thì số điểm báo cáo lên UBND không tăng mà chỉ có thể giảm đi. Khi tôi được giao làm tổ trưởng tổ thẩm định kết quả, chấm điểm cũng có băn khoăn nếu làm nghiêm quá một số người không thích mình. Cụ thể, vài lần họp UBND tỉnh một số giám đốc sở không bằng lòng với tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc nên có đôi lúc tranh luận nảy lửa nhưng kết quả cuối cùng vẫn khẳng định là đúng. Đã là nhiệm vụ thì phải làm một cách thẳng thắn và chính xác.

. Đã có lãnh đạo cấp sở, ngang sở, chủ tịch UBND thị xã, thành phố bị chuyển đổi, điều chuyển công việc khác chưa?

+ Việc chuyển đổi công việc không chỉ ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ, kể cả là hoàn thành nhiệm vụ nhưng số điểm không cao thì vẫn bị chuyển đổi. Cụ thể là chuyển đổi sang ngành khác hoặc chuyển đổi xuống cấp thấp hơn. Đã có một vài lãnh đạo bị chuyển đổi nhưng xin không nói cụ thể ở đây. Quyết định chuyển đổi đối với lãnh đạo các sở, ngang sở… được chủ tịch UBND tỉnh thẩm định, ra quyết định một cách chặt chẽ.

. Xin cám ơn ông.

Tránh chạy theo thành tích, che giấu khuyết điểm

Việc đưa ra các tiêu chí xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhằm bảo đảm tính kịp thời, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, phản ánh đúng tình hình hoạt động chỉ đạo, điều hành, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị, tránh phô trương, hình thức, chạy theo thành tích, che giấu khuyết điểm… Việc chấm điểm được chia thành bốn nhóm theo thang điểm 100. Theo đó mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên 90 điểm sẽ được khen thưởng, ngược lại dưới 50 điểm bị xem xét trách nhiệm và hai năm liên tiếp sẽ bị điều chuyển, chuyển đổi công tác.

(Trích Quyết định 4129 ngày 25-11-2014 về việc ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện thị xã, thành phố, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa)

Sẽ chấm điểm sát sườn hơn nữa

Việc chấm điểm và có hình thức xử lý cụ thể đối với cán bộ mới chỉ là bước đầu nhưng đã có những chuyển biến tốt. Tới đây việc này sẽ đi vào thực chất hơn, với các tiêu chí đánh giá sát sườn chức năng của từng sở, từng ngành. Ví dụ như Sở GTVT thì tiêu chí được người dân quan tâm nhiều là vấn đề an toàn giao thông; Sở Nông nghiệp thì quan tâm an toàn dịch bệnh, chất lượng vật tư nông nghiệp, vấn đề an toàn thực phẩm

Việc chấm điểm sẽ được đảm bảo khách quan tối đa, làm tốt được thưởng còn làm kém phải chịu trách nhiệm. Việc này đã tác động đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Thanh Hóa đứng thứ tám, chỉ số hiệu quả hoạt động hành chính công đứng thứ chín, hội nhập kinh tế có những chuyển biến, thu hút các nhà đầu tư vào Thanh Hóa ngày một nhiều hơn và thu ngân sách cao hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa NGUYỄN ĐÌNH XỨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm