Cha nạn nhân kêu oan cho bị cáo

Ngày 18-6, sau năm lần hoãn xử, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án vụ Bùi Văn Lưỡng giết người, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu. Theo tòa, cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, xác định người gây án chưa rõ ràng, chứng cứ buộc tội yếu...

Án mạng trong đêm tối

Theo hồ sơ, 9 giờ tối một ngày tháng 12-2007, trên đường chở vợ con đi ăn giỗ về, Lưỡng ghé nhà người em bà con ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) chơi. Nghe người em kể lại mấy hôm trước có đánh nhau với con trai ông Nguyễn Văn Bôn, Lưỡng lấy điện thoại gọi cho anh vợ Nguyễn Tùng Lâm.

Một lúc sau, Lâm cùng bốn người anh em khác (không có Lưỡng) đến khu vực đậu ghe tràm của cha con ông Bôn gây chuyện, đánh nhau với những người trên ghe. Ông Bôn đang nhậu gần đó hay tin liền chạy về can ngăn. Lúc này Lưỡng cũng vừa đến nơi, cầm theo một khúc cây tràm dài khoảng 3 m. Trong đêm tối, Lưỡng tiến đến gần phía sau Lâm, đập liên tiếp ba nhát vào đầu làm nạn nhân gục tại chỗ.

Đứng gần, ông Bôn thấy có người bất tỉnh bèn tri hô. Sau đó, người nhà của Lâm (có cả Lưỡng) đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã chết do chấn thương sọ não.

Đổi tội danh

Từ lời khai của các nhân chứng mà chủ yếu là ông Bôn, Lưỡng đã bị bắt, bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích.

Cha nạn nhân kêu oan cho bị cáo ảnh 1

Bị cáo Bùi Văn Lưỡng sau phiên xử. Ảnh: T.TÙNG

Các cơ quan tố tụng huyện Tháp Mười cho rằng do đêm tối nên Lưỡng đã đánh nhầm anh vợ gây án mạng. Tuy nhiên, suốt quá trình điều tra, Lưỡng đều kêu oan, khai mình chỉ dự định đánh cha con ông Bôn, chưa kịp đánh thì nghe có người tri hô nên bỏ chạy.

TAND huyện Tháp Mười đã phải hoãn xử năm lần vì thiếu nhân chứng. Ở lần mở phiên tòa thứ sáu, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, Công an huyện Tháp Mười chuyển hồ sơ vụ án lên tỉnh. Lưỡng bị truy tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Sau ba lần hoãn xử vì thiếu các nhân chứng quan trọng, phải đến lần mở phiên tòa thứ tư (tháng 9-2009), TAND tỉnh Đồng Tháp mới tuyên án được.

Tại phiên xử này, tòa triệu tập 24 nhân chứng của cả hai bên. Những nhân chứng phía bị cáo thì khai ông Bôn là hung thủ, còn các nhân chứng phía gia đình ông Bôn lại khai chính Lưỡng gây ra án mạng. Dù vậy, TAND tỉnh Đồng Tháp vẫn phạt Lưỡng 10 năm tù và buộc cấp dưỡng cho hai con của nạn nhân mỗi tháng hơn 300.000 đồng cho đến năm 18 tuổi.

Sau phiên xử, Lưỡng kháng cáo kêu oan. Cha của nạn nhân cũng kháng cáo kêu oan cho Lưỡng.

Nhân chứng khai mâu thuẫn

Tại phiên phúc thẩm sáng qua, tòa triệu tập 13 nhân chứng của hai bên nhưng chỉ có 11 người có mặt. Hai nhân chứng vắng mặt đều thuộc diện tòa ra lệnh áp giải thì một người chống lệnh, người còn lại đã bỏ đi khỏi nơi cư trú. Sau khi đại diện VKS có ý kiến, tòa quyết định tiếp tục xử.

Trước tòa, Lưỡng vẫn một mực kêu oan, nói lúc đó chưa kịp tới nơi xảy ra án mạng. Theo bị cáo, hằng ngày sống với nhau trong một nhà nên dù trời tối và đứng từ phía sau, Lưỡng vẫn có thể dễ dàng nhận ra dáng vóc của anh vợ, không thể có chuyện đánh nhầm như cấp sơ thẩm quy kết. Lưỡng còn khai mình bị ép cung khi điều tra.

Cha của nạn nhân cho rằng ông Bôn là thủ phạm. Vợ và con trai của Lưỡng khai khi họ chạy ra chỗ nạn nhân nằm bất tỉnh thì thấy ông Bôn miệng thì tri hô nhưng lại đang cầm khúc cây tràm trên tay. Các nhân chứng là anh em bà con của Lưỡng tham gia đánh nhau đêm đó đồng loạt khai không nhìn thấy ai đánh Lâm nhưng Lưỡng không phải là thủ phạm.

Về phần mình, nhân chứng Bôn bảo lưu lời khai rằng ông đứng cách hiện trường khoảng 6 m, hôm đó trời tối, ông chỉ thấy một bóng người cầm khúc cây đánh nạn nhân nên hô hoán, sau đó mới biết là Lưỡng.

Một nhân chứng (ngồi nhậu chung với ông Bôn) khai đứng cách đó mấy mét và thấy Lưỡng gây án. Tuy nhiên, khi tòa hỏi căn cứ vào đâu để nhận dạng Lưỡng thì ông này không trình bày được. Sau cùng, ông này thừa nhận là nghe ông Bôn tri hô mới chạy lại.

Hủy án

Theo đại diện VKS, quá trình điều tra vụ án đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên cần hủy án sơ thẩm. Cụ thể, biên bản khám nghiệm hiện trường không có mặt bị cáo, tại nơi khám nghiệm có mặt một nhân chứng là ông trưởng ấp nhưng công an không lấy lời khai trực tiếp mà lại làm sẵn biên bản để đưa đến nhà cho ký. Trong quá trình điều tra có dấu hiệu cán bộ điều tra bắt bị cáo cầm cây tràm để chụp ảnh làm chứng cứ.

Đồng tình, tòa phúc thẩm còn nhận xét cấp sơ thẩm lấy lời khai của rất nhiều nhân chứng nhưng lại không làm rõ được bản chất vụ án. Cấp sơ thẩm dựa vào những lời khai của các nhân chứng có quan hệ thân thiết với phía ông Bôn để kết tội bị cáo là chưa khách quan. Bản thân ông Bôn khai báo cũng chưa rõ ràng vì không có căn cứ vững chắc xác định thủ phạm là bị cáo.

Xoáy vào nhân chứng quan trọng

Quyết định hủy án điều tra lại của tòa là chính xác bởi vụ án còn rất nhiều điều cần làm rõ. Bị cáo kêu oan, lại không có nhân chứng trực tiếp nên trong quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra nên xoáy vào những nhân chứng quan trọng, có mặt ở hiện trường mới làm sáng tỏ được sự thật. Việc phục dựng hiện trường phải được tiến hành lại vì trước đó vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Đối lập với việc sàng lọc nhân chứng, nếu cần cơ quan điều tra có khi phải triệu tập thêm những người liên quan bởi trong vụ án có dấu hiệu lọt tội gây rối trật tự công cộng với những người tham gia ẩu đả. Khi xác định đúng hành vi của họ thì lời khai của họ sẽ chính xác hơn.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm