Cây đô thị ngã đổ: Lỗi người trồng và lỗi… vỉa hè!

Cây trồng trong TP gãy đổ có hai nguyên nhân, một là bởi cây chết, hai là vì gió bão quá mạnh. Trường hợp thứ hai thường được xem là nguyên nhân nhưng thực ra chỉ đúng một phần. Bản thân cấu trúc của cây có cấu tạo để chống lại gió bão và các tác động thiên nhiên.

Cây gãy đổ là cây đang chết

Có một chuyện ngụ ngôn về cây sồi và cây sậy, khi có bão cây sậy cong thân theo gió nên thoát, cây sồi ưỡn ngực hứng gió nên bật gốc mà đổ. Thực ra thì đó chỉ là chuyện kể ngụ ngôn. Để bật gốc một cái cây không phải chuyện đơn giản vì tỉ lệ bộ rễ so với phần cây trên mặt đất, trong tự nhiên thường là 1:1, thậm chí là phần rễ lớn hơn cả phần thân. Ngược lại, cây trong TP khi bật gốc chúng ta thường thấy chỉ có một bầu đất nhỏ. Đó là bởi vì cây đã bị giới hạn sinh trưởng. Tôi sẽ nói kỹ hơn ở những phần sau.

Như vậy việc cây gãy đổ do gió bão là vì bản chất cái cây đó không được phát triển đúng cách. Hay nói đúng hơn là môi trường sống không đảm bảo.

Những cái cây cũng giống con người, khi môi trường sống không đảm bảo, nó sẽ yếu dần và chết dần. Lại nhấn mạnh là những cái cây gãy đổ chắc chắn là những cái cây đang chết, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Bê tông hóa bức tử cây xanh

Những yếu tố quyết định sự phát triển của một cái cây bao gồm đất, nước, ánh sáng và chất dinh dưỡng. Tách riêng đất với chất dinh dưỡng ra vì yếu tố đất trong cây trồng đô thị có nhiều vấn đề để nói. Việc trồng cây trên vỉa hè giống như “nhốt” những cái cây vào chậu và chôn xuống đất, chỉ khác là vì cây to nên “chậu” cũng to. Nhưng cơ bản thì vẫn là cái “chậu”, tức là giới hạn các hướng phát triển của rễ cây. Khi đất không đủ tơi xốp, cây sẽ phát triển ra hướng nào dễ dàng cho rễ, đó là lý do gạch lát vỉa hè hay bị rễ cây đội lên. Gạch lát cứng như vậy nhưng vẫn là hướng dễ dàng hơn cho rễ, có thể suy ra môi trường bên dưới gò bó đến mức nào. Việc bê tông hóa đã ngăn những cái cây đào sâu xuống đất.

Quy hoạch cây xanh đô thị, chúng ta đã làm được gì? Chúng ta không làm được gì.

Tương tự, bê tông hóa vỉa hè làm nước hoặc trôi đi rất nhanh theo đường thoát hoặc đọng lại rất nhiều nếu nơi trồng cây trũng và không có đường thoát nước riêng. Nếu thiếu nước hẳn nhiên cây yếu nhưng nếu thừa nước sẽ khiến cây trở nên mục rỗng và thân có dấu hiệu rỗng ruột. Khi đó bộ rễ cây bị úng và chết từ từ. Cây me đổ vừa rồi rơi vào trường hợp này. Dựa vào ảnh chụp, cây hoàn toàn không có rễ cọc và thân có dấu hiệu mục, chưa kể dưới gốc ứ nước. Vậy lỗi lớn nhất nằm ở việc quy hoạch vỉa hè trồng cây quá gò bó, việc bê tông và lát gạch khiến nước không thẩm thấu mà đọng lại chỗ trũng, là gốc cây me. Cây me bị bức tử, sau đó bị gán tội, cuối cùng là toàn bộ cây của cả con đường bị cắt tỉa.

Về ánh sáng và chất dinh dưỡng trong đô thị thì khỏi bàn. Việc xây dựng nhiều nhà cao tầng cũng gián tiếp che chắn những cái cây. Chưa kể tạo nên những “hẻm gió” do những dãy nhà chắn lại. Môi trường gió làm nước bốc hơi nhanh và làm cây bị khô, cành lá cũng khó phát triển. Những “hẻm gió” cũng tạo ra những khu vực lốc xoáy mà khi có bão thì nhân sức phá hoại lên nhiều lần.

Tầm nhìn quy hoạch ở đâu?

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao nước ngoài làm được? Họ đã làm như thế nào?

Tôi từng ở Singapore nhiều năm và quan sát cách họ trồng cây vỉa hè. Singapore cũng là nước có khí hậu khá tương đồng chúng ta và cách đây 50 năm thì họ tụt hậu sau chúng ta khá lâu. Giờ thì ngược lại.

Có hai yếu tố quan trọng trong cách quy hoạch cây xanh của Singapore. Đầu tiên phải kể đến họ rất quan tâm đến việc chăm sóc cây và có đầu tư đúng mức, với những thiết bị hỗ trợ đầy đủ.

Yếu tố thứ hai, dù Singapore nhỏ nhưng so với đường xá thì tỉ lệ diện tích đất bãi cỏ trồng cây là rất lớn (chiều rộng thường trên 5 m, cạnh đường cao tốc lên đến trên 20 m). Vỉa hè lát gạch cho người đi bộ thì nằm khiêm tốn bên cạnh. Tức là đường nhựa rồi đến bãi cỏ lớn trồng cây, rồi đến vỉa hè, rồi mới đến nhà ở. Ngay cả bãi cỏ trồng cây giữa làn phân cách cũng có chiều rộng khoảng 4-5 m. Như đã nói ở trên, đất bãi cỏ rất khác với đất bê tông vỉa vè, nó giúp thoát nước và tạo điều kiện cho rễ cây hô hấp. Rễ cây cũng cần hô hấp, đây là điều không phải ai cũng biết. Cách làm này vừa tăng diện tích phủ xanh, vừa tạo môi trường tốt cho cây phát triển, bên cạnh đó hỗ trợ thoát nước đô thị. Những hàng cây lớn lại có tác dụng chắn khói bụi và âm thanh đường phố cho các khu vực dân cư. Không phải họ thừa đất. Người dân thì họ đưa lên cao ở, giữa các khối nhà cao lại là công viên chung và công viên nào cũng có cây to.

Chưa kể đến phần bãi cỏ rộng này làm giảm tối đa việc cành cây gãy rơi vào lối giao thông, loại đi tỉ lệ rất thấp cuối cùng hiểm họa của việc cây gãy đổ.

Đó là tầm nhìn của nhà quy hoạch, khi họ đặt sự quan trọng của cây xanh lên trên sự đô thị hóa. Và thực tế chứng minh họ đã đúng bởi một lý do đơn giản, loài người vẫn đang tồn tại nhờ vào cây xanh.

Lẽ ra chúng ta nên làm gì?

Vậy chúng ta làm được gì? Chúng ta hầu như không làm được gì. Nhưng tôi có thể nói về việc chúng ta lẽ ra nên làm gì.

TP.HCM đang gánh tám triệu dân, trong khi quy hoạch của Pháp năm 1861 đệ trình và được chấp thuận năm 1862 cho TP này là 500.000 dân. Việc này gây ra một áp lực lớn lên tỉ lệ đất xây dựng với mảng xanh. Hậu quả tất yếu là mảng xanh ngày càng ít lại. Nói tượng hình hơn, hàng rào nhà ngày càng gần với vỉa hè và gốc cây. Cộng với việc liên tục đào xới, sửa chữa cơ sở hạ tầng khiến rễ cây bị tổn hại liên tục. Nếu muốn khắc phục, việc cần làm là mạnh tay trong việc quy hoạch lại cây xanh và nó sẽ tốn một khoản kinh phí khổng lồ cho việc tái quy hoạch lại trung tâm TP.

Những khu đô thị mới thì sao? Ở đây cũng có một “mánh” nhỏ mà những chủ đầu tư bất động sản hay dùng. Họ trồng những cây đã tương đối lớn và phát triển nhanh (như me, điệp, bằng lăng, những cây có hoa…), những cây này giải quyết vấn đề phủ xanh ngắn hạn, tức là giải quyết khâu chụp ảnh và tham quan để nhanh bán được nhà. Nhưng về lâu dài thì những cây này bị giới hạn về sự phát triển và che chắn tầm nhìn, khả năng gãy đổ cũng cao, tuy không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, những con đường rợp bóng cổ thụ là điều mà trong tương lai sẽ không tồn tại. Những quy hoạch đều nằm ở ngắn hạn.

Trở về với trung tâm TP.HCM, điều gì đã xảy ra khiến những cái cây ngã đổ? Đầu tiên là kỹ thuật trồng cây sai. Cái hay của cây xanh là kỹ thuật trồng có thể giới hạn độ phát triển của cây. Hãy nhìn cách người Nhật trồng bonsai, nghĩa là trồng những cây cổ thụ vào chậu. Đó thực sự là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Cây đường phố cũng vậy, cần quy hoạch trước về độ lớn của cây và trồng nó vào môi trường thích hợp, rồi quản lý sự phát triển của cây. Chúng ta không có những người nghiên cứu về vấn đề này, chúng ta bỏ mặc cho cây phát triển rồi sau đó thu gọn phạm vi phát triển lại bằng cách bê tông hóa phần gốc cây, đào xới lắp đặt cơ sở hạ tầng bất chấp khu vực đó có cây cổ thụ. Nói nôm na là giống như cột hai dây giày lại với nhau, sớm muộn cũng ngã.

Trong trường hợp cây trồng bị giới hạn về diện tích đất trồng, nước ngoài họ tạo ra một quy chuẩn cho việc trồng cây vỉa hè, đó là cách ông cha ta gọi là “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nghĩa là thay vì trồng mỗi cây một “chậu”, chúng ta làm những “chậu” lớn và dài dọc theo vỉa hè. Nếu mọi người để ý, trước đây một bồn cây cạnh vỉa hè thường kéo dài (ở giữa là những mảng cỏ, hoa), còn sau này thì mỗi gốc cây được xây rào lại bằng gạch hoặc đổ bê tông. Có một điều chúng ta cần làm rõ, diện tích trồng cây hoàn toàn khác với vỉa hè dành cho người đi bộ. Đường đi bộ nằm cạnh chứ không phải trên khu vực trồng cây xanh. Xây rào gốc cây chỉ dành cho những khu dân cư có đường và lối đi nhỏ và dĩ nhiên cũng chỉ dành cho cây nhỏ. Việc rào gốc cây và lát gạch xen vào giúp thay thế khái niệm khu vực trồng cây xanh thành khu vực vỉa hè. Câu hỏi đặt ra, vậy khu vực được quy hoạch thành vỉa hè trước đây đã mất đi đâu? Các bạn tự tìm câu trả lời.

Pháp đã xây dựng Vườn Bách Thảo Saigon năm 1865 (sau đổi tên thành Thảo Cầm Viên năm 1956) để thử nghiệm về cây trồng đô thị, đó là lý do nó có tên như vậy. Ban đầu họ trồng cây ăn trái, cây hoa, sau đến me và cuối cùng là cây họ dầu. Việc cây họ dầu được nhân rộng ra và trồng ở các khu vực trung tâm cũ cho thấy nó đạt được một tiêu chuẩn rất cao về cây trồng đô thị.

Chúng ta vẫn chưa phát triển hơn chính chúng ta trong quá khứ, nếu không muốn nói là đang đi giật lùi. Chúng ta hay thắc mắc nếu một cái cây gãy đổ chắc là do loại cây được chọn trồng không phù hợp. Thực ra ngoài việc quan sát cây gì được trồng, cũng còn cần phải lưu ý chúng được trồng như thế nào và được (bị) chăm sóc, đối xử ra sao nữa. Không thì cứ trách oan cho những cái cây.

KTS NGUYỄN THÁI NGHỊ LỰC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm