Cầu Rạch Chiếc: Bước đột phá về tạo vốn và công nghệ

Đây là mốc kỹ thuật đánh dấu sự hoàn thành cơ bản cầu Rạch Chiếc mới trên xa lộ Hà Nội và cũng là thành quả từ những bước đột phá táo bạo của TP về tạo nguồn vốn, công nghệ để phát triển cầu, đường.

Đầu những năm 2000, cầu Rạch Chiếc cũ (hơn 40 năm tuổi) xuống cấp trầm trọng, phải liên tục hạ tải từ 30 tấn xuống 20 rồi 18 tấn. “Nếu cầu Rạch Chiếc bị sự cố, xa lộ Hà Nội sẽ tê liệt, tuyến cửa ngõ phía đông TP hoàn toàn gián đoạn” - ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Giao thông đô thị số 2 (chủ đầu tư), nói.

Năm 2002, nhiều phương án làm cầu mới được đưa ra nhưng vướng nút thắt lớn nhất là kinh phí. Từ đó, có ý kiến cho rằng chỉ cần sửa chữa nhỏ cầu bằng nguồn ngân sách để đỡ tốn kém. Ngược lại, các ý kiến khác đề xuất làm cầu lớn để đón đầu tốc độ tăng trưởng của TP. Cuối năm 2006, TP đưa ra quyết định sau cùng: Làm cầu mới cao 6 m, có 10 làn xe. Nhưng tiền đâu để xây cầu thì vẫn… chưa tìm được.

Trong tình hình đó, tháng 2-2007, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) đề xuất ứng vốn xây dựng mới cầu Rạch Chiếc, sau đó hoàn vốn bằng việc thu phí trên xa lộ Hà Nội. Tháng 12-2008, Sở Tài chính (được UBND TP ủy quyền) đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền quản lý, thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội. Theo đó, CII ứng trước cho TP 1.000 tỉ đồng để làm cầu Rạch Chiếc; đổi lại họ được quyền tiếp tục quản lý, thu phí tại trạm xa lộ Hà Nội với thời gian 12 năm kể từ ngày 1-1-2014.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, những quyết định trên là một bước đột phá rất lớn của TP. Quy mô 10 làn xe của cầu đáp ứng được tốc độ phát triển phương tiện lưu thông trên tuyến huyết mạch cửa ngõ trong tương lai. Chiều cao cầu mới là 6 m sẽ tạo điều kiện khai thông luồng tàu thuyền qua Rạch Chiếc, nối sông Đồng Nai với thượng lưu sông Sài Gòn, giảm được hành trình của tàu thuyền hơn 13 km và giảm được lượng tàu thuyền phải đi qua khu vực cảng Sài Gòn.

“Cách thức huy động vốn là bước ngoặt giúp giải cơn khát vốn kéo dài nhiều năm cho các công trình trọng điểm của TP. Từ đây hình thành phương pháp gối đầu vốn với chu trình: Nhà nước bỏ ngân sách ra làm cầu đường, sau đó chuyển nhượng quyền thu phí giao thông, rồi dùng nguồn tiền thu được tiếp tục đầu tư vào công trình khác…” - ông Tài nói.

Phát biểu tại lễ thông xe hai nhánh biên cầu Rạch Chiếc cuối năm 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đánh giá: “Chính phủ đánh giá cao mô hình chủ động sáng tạo về đầu tư xây dựng của TP từ cách huy động nguồn vốn đa dạng; chọn lựa hình thức đầu tư phong phú đến biện pháp tổ chức thiết kế, thi công, giám sát và bảo đảm giao thông không bị gián đoạn… Từ công trình này sẽ có những bài học lớn giúp Đảng, Chính phủ hình thành nên chiến lược đột phá về xây dựng hạ tầng giao thông quốc gia trong những năm tới”.

Rút tiến độ từng ngày

Tháng 12-2010, hai nhánh biên của cầu Rạch Chiếc mới thông xe trước kế hoạch bốn tháng. Ngay sau đó, các nhà thầu bắt đầu thi công giai đoạn 2, làm nhánh chính giữa với phần cầu chính dài 295 m trong 22 tháng. Giai đoạn này công việc khó và mới nhất (với các cầu đã từng làm ở Việt Nam) là đúc khối dầm hộp có chiều rộng bề mặt tới 26,5 m. Để đúc khối dầm này, các kỹ sư phải thiết kế, lắp đặt các dàn xe đúc hẫng bằng thiết bị trong nước. Ở mỗi đầu cầu là hai xe đúc hẫng có giá 6-7 tỉ đồng/xe cứ tịnh tiến từng nhịp, từng nhịp rồi tiến đến hợp long.

Theo ông Vũ Kiến Thiết, từ giữa tháng 7-2011 lưu lượng xe qua lại trên hai nhánh biên tăng lên đột biến. Do vậy, chủ đầu tư liên tục yêu cầu các đơn vị thi công rút thời gian xây dựng phần cầu chính xuống còn 19 tháng, thay vì 22 tháng. Đến tháng 4-2012, tiến độ hoàn thành cầu lại được “rút” xuống còn 17 tháng và sẽ thông xe vào tháng 7-2012. “Rút ngắn thời gian hoàn thành cầu được một ngày thì TP được lợi 5-7 tỉ đồng do lưu thông qua cửa ngõ phía đông TP thông suốt, nhanh chóng” - ông Thiết cho biết.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm