Cắt trộm dây điện chiếu sáng

Tòa, viện thiếu chỏi nhau

Theo cáo trạng, Bảy phát hiện đoạn dây điện phục vụ chiếu sáng công cộng đã bị đứt một đầu rớt xuống đất nên rủ Khánh cắt trộm luôn cả đoạn dây bán lấy tiền tiêu xài. Khuya 13-3, sau khi cắt xong, cả hai đang định đi bán thì bị bắt quả tang, thu giữ 15 m dây điện chiếu sáng trị giá hơn 3 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, cả hai khai nhận thêm trước đó đã ba lần cắt trộm dây điện chiếu sáng. Tổng giá trị thiệt hại ba lần này hơn 13 triệu đồng.

Với những hành vi trên, cả hai đã bị khởi tố, truy tố về tội hủy hoại tài sản. Theo viện, đường dây chiếu sáng cung cấp điện cho các hộ dân, hai bị cáo cắt dây làm ảnh hưởng đến việc chiếu sáng hằng ngày nên gây bất an cho đời sống bình thường. Hành vi này là hủy hoại tài sản cần phạt nghiêm.

Cắt trộm dây điện chiếu sáng ảnh 1

Tuy nhiên, xử mới đây, sau khi xem xét tòa đã tuyên phạt Bảy hai năm sáu tháng tù, Khánh hai năm tù cùng về tội trộm cắp tài sản. Theo tòa, hai bị cáo không phạm tội hủy hoại tài sản do số dây điện không còn hoạt động, đồng thời hệ thống dây điện trên không thuộc tầm quan trọng đến mức gây ảnh hưởng nhiều đến an ninh quốc gia và cuộc sống của người dân...

Tội trộm cắp là rõ

Xung quanh chuyện này, báo Pháp Luật TP.HCM đã tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia và hầu hết cho rằng tòa xử phạt hai bị cáo tội trộm cắp là phù hợp.

Luật sư Trần Quốc Khánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, mục đích của hai bị cáo là muốn cắt trộm dây điện để bán lấy tiền tiêu xài chứ không phải cố ý phá hoại, làm hư hỏng tài sản để gián đoạn hoạt động truyền dẫn điện của đường dây này. Mặt khác, đoạn dây điện mà hai bị cáo cắt không còn hoạt động nữa do đã bị đứt một đầu. Thế nên tòa xử phạt đúng tội.

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm 3, VKSND Tối cao) phân tích thêm, đặc trưng pháp lý của tội hủy hoại tài sản là phá hủy để làm giảm thiểu giá trị sử dụng của tài sản, đập phá hoặc làm cho tài sản không có khả năng khôi phục. Cấu thành bắt buộc của tội hủy hoại tài sản là phải có hành vi hủy hoại và phải gây hậu quả nghiêm trọng. Nửa đêm, hai bị cáo lén lút cắt dây điện nhằm mục đích bán lấy tiền tiêu xài. Hậu quả hai bị cáo gây ra không nghiêm trọng bởi đoạn dây điện hai bị cáo cắt còn khả năng khắc phục được. Thế nên viện truy tố tội hủy hoại tài sản là không phù hợp.

Dây điện hư, không thể là hủy hoại

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận định nếu ai cắt dây điện ở trong kho hoặc các phương tiện đã bỏ không sử dụng nữa, đang tháo gỡ hoặc chưa kịp tháo gỡ thì xử về tội trộm cắp tài sản. Còn nếu cắt dây điện đang hoạt động, đang vận hành hoặc đang lắp đặt để đưa vào sử dụng thì xử về tội phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Trong vụ án này, dây điện đã bị cắt một đầu, không còn sử dụng được nữa nên hai bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm