Cấp và quản lý CCCD: Bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu

Sáng 23-4, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị tổng kết đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) giai đoạn 2013-2020.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM làm CCCD gắn chip cho người dân phường Linh Xuân, TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đến tháng 7-2021, cấp 50 triệu thẻ căn cước

Tại hội nghị, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 896, cho hay tính đến đầu tháng 3-2021, trên 86,6 triệu phiếu DC01 (phiếu thu thập thông tin dân cư) của 59/63 địa phương đã được thu thập. Bộ Công an đã hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương tổ chức 6.000 lượt kiểm tra, phúc tra bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”…

Đáng chú ý, Bộ Công an đã chỉ đạo cải cách tối đa thủ tục cấp căn cước cho công dân. Theo đó, người dân không phải kê khai bất cứ loại giấy tờ gì khi làm thủ tục, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức rất lớn.

Trong thời gian từ ngày 1-3 đến nay, toàn quốc đã thu nhận trên 30 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử. Phấn đấu đến tháng 7-2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chip phục vụ giao dịch của nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho hay Chính phủ ghi nhận và đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã làm khá tốt trên nhiều phương diện. “Các nhiệm vụ của Đề án 896 đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, quá trình triển khai thực hiện đề án đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số” - ông Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo phó thủ tướng, quá trình triển khai thực hiện Đề án 896 vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhất là khi những vấn đề này “có yếu tố về chủ quan”, cần sớm được khắc phục.

Phó thủ tướng nhấn mạnh việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm thực chất. “Yêu cầu này là trách nhiệm của các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với Bộ Công an thực hiện có hiệu quả, vì nhân dân để phục vụ” - phó thủ tướng nói.

Cạnh đó, việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế và dữ liệu giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn gặp nhiều khó khăn.

Nhấn mạnh năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất; bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu.

Đồng thời hoàn thành, mở rộng việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định để chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành trung ương và các địa phương tiếp tục tích cực “đồng hành” cùng với Bộ Công an, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó, Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý II-2021 để tạo hành lang pháp lý cho vấn đề danh tính số.

Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bảo đảm thống nhất và phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cạnh đó, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định hộ tịch đối với các trường hợp đặc biệt…

 

Chưa đồng bộ và chưa khai thác có hiệu quả

Tại hội nghị, Thượng tá Tô Anh Dũng nêu một số vấn đề còn tồn tại trong thực hiện đề án. Cụ thể, việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa đồng bộ, thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng nhưng nhiều bộ, ngành, UBND địa phương chưa có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả…

Phải có giải pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay TP đã triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng tiến độ do Bộ Công an yêu cầu. Cụ thể, đã thu thập thông tin dân cư hơn 6,5 triệu phiếu DC01 và hơn 470.000 phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (DC02). Để đảm bảo dữ liệu thu thập được chính xác trước khi chính thức nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, TP đã tiến hành kiểm tra, phúc tra lại thông tin đã được thu thập, yêu cầu bổ sung, cập nhật các thông tin còn thiếu hoặc chưa đúng, từ đó xác định được số phiếu còn thiếu thông tin hoặc chưa đúng để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa. TP cũng đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp CCCD gắn chip cho hơn 212.000 trường hợp.

UBND TP đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số với tầm nhìn đến năm 2030. TP trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của TP là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

Chương trình chuyển đổi số của TP được xây dựng dựa trên chương trình chuyển đổi số quốc gia, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh và kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM.

Trong năm 2021, TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng việc tạo lập và tích hợp các dữ liệu liên quan đến người dân như y tế, giáo dục, việc làm để phục vụ công tác quản lý, điều hành của TP. Theo ông Hoan, để hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ… phục vụ quản lý nhà nước, chia sẻ, giải quyết thủ tục hành chính và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, TP.HCM mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn, quan tâm của Bộ Công an và các bộ, ngành, tỉnh, TP có liên quan để việc xây dựng bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp.

“Các thông tin, dữ liệu cần thiết thu thập phải tương thích, kết nối, tích hợp được với các cơ sở dữ liệu và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; có giải pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, góp phần làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý dân cư, thúc đẩy sự phát triển cho TP, nhất là trong bối cảnh TP.HCM đang tập trung xây dựng đô thị thông minh” - ông Hoan nói.•

 

Tránh sai lệch, để dân thuận lợi trong giao dịch

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu vấn đề, hiện vẫn chưa có cơ chế thống nhất, hợp lý xử lý đối với các trường hợp dữ liệu công dân có sai lệch (sai thông tin giữa CMND/CCCD với hộ khẩu hoặc trong các giấy tờ này chỉ có thông tin về năm sinh mà không có thông tin về ngày, tháng sinh), dẫn đến gia tăng thủ tục hành chính không đáng có, gây sức ép cho người dân, khó bảo đảm chất lượng đăng ký hộ tịch.

Từ đó, phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần bám sát tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, triển khai các ứng dụng để tích hợp vào chip điện tử trên thẻ CCCD, góp phần thực hiện quản lý ngành, lĩnh vực được phân công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm