Cạp cát lở sông bị kiện

Tòa án TP Vĩnh Long cho biết tòa này vừa thụ lý vụ tám hộ dân xã An Bình (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) kiện Công ty CP Vật liệu Xây dựng tỉnh Vĩnh Long - đơn vị khai thác cát trên sông Tiền. Các hộ dân yêu cầu bị đơn bồi thường hơn 3,4 tỉ đồng vì khai thác cát gây sụt lở đất khiến bè cá và hầm cá của họ bị thiệt hại nặng.

Đây là một trong những vụ kiện đầu tiên về khai thác cát gây thiệt hại ở miền Tây.

Bao của nả trôi theo dòng nước

Ngồi trên chiếc tắc ráng nhìn ra dòng sông Tiền, anh Đỗ Hàn Phong kể: đêm 29-10-2012, hàng chục hộ dân ấp An Long, xã An Bình (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) bàng hoàng trước cảnh sạt lở đất ở đây. Làng bè nuôi cá điêu hồng, cá chim trắng cồn An Bình vốn bình yên bỗng chốc trở nên dậy sóng. Vụ sạt lở đã kéo bứt một đoạn bờ sông rộng lớn, lôi theo hai căn nhà trên bè chìm hút xuống sông.

Khoảng 20 giờ tối đó, thấy dấu hiệu sạt lở, người nuôi cá bè tại ấp An Long chạy vỏ lãi ra kêu mấy công nhân điều khiển ba cần xáng múc cát gần đó ngưng cạp nhưng họ không dừng. Bà con báo Công an huyện Long Hồ đến, công an yêu cầu ngừng hoạt động nhưng xáng vẫn cạp. “Lở bắt đầu cuốn vùng đất bãi bồi rồi ăn bứt vào bờ. Bốn hầm nuôi cá điêu hồng giống bị lở theo. Đến khoảng 22 giờ, 23 chiếc bè nuôi cá neo đậu gần đó bị sóng đánh chìm. Cá trong hầm, bè bị “xổ lồng” ra sông. Dân làng thức trắng đêm cứu cá nhưng tất cả đã trôi theo dòng nước” - anh Phong nhớ lại.

Cạp cát lở sông bị kiện ảnh 1

Do bị sạt lở đất nên trong vụ nuôi cá đầu tiên, anh Trần Văn Luận (ấp An Long, xã An Bình, Long Hồ, Vĩnh Long) đã bị trắng tay. Ảnh: VS

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, thiệt hại từ đợt sạt lở này làm mất 23 công đất hầm, 20 tấn cá giống nuôi trong bốn hầm của dân bị mất trắng. Ngoài ra còn có 23 bè với khoảng 127 tấn cá nuôi trong bè của năm hộ dân bị thất thoát. Tổng thiệt hại gần 4 tỉ đồng.

Sạt lở là do khai thác cát

Tháng 3-2013, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam xác định nguyên nhân chính gây sạt lở đêm 29-10-2012 tại khu vực ấp An Long là do hoạt động khai thác cát. Theo viện, đợt sạt lở này có cung trượt lớn và sâu, phạm vi sạt theo chiều ngang vào bờ khoảng 40 m, sâu vào hơn 10 m. Nguyên nhân là do sự hạ thấp cục bộ của lòng dẫn khiến cho khối đất phần chân mái bờ (có tác dụng chống trượt) bị mất đi, gây ra sạt lở…”.

Kết luận của cơ quan chuyên môn là vậy nhưng cơ quan tố tụng Vĩnh Long đã không khởi tố vụ án hình sự. Xót của, tám hộ nuôi cá bị thiệt hại gửi đơn cầu cứu nhiều nơi nhưng mãi đến tháng 5-2013 phía Công ty CP Vật liệu Xây dựng tỉnh Vĩnh Long (đơn vị thuê ba xáng cạp múc cát gây sạt lở) mới chịu hòa giải với năm hộ nuôi cá bè. Bên thiệt hại yêu cầu công ty này phải bồi thường hơn 3 tỉ đồng nhưng phía công ty chỉ chấp nhận bồi thường 600 triệu đồng. Còn ba hộ nuôi cá hầm không được phía công ty thương lượng gì.

Dân quyết kiện đến cùng

Cuối cùng, tám hộ dân bị thiệt hại buộc phải khởi kiện ra tòa yêu cầu Công ty CP Vật liệu Xây dựng tỉnh Vĩnh Long bồi thường tổng cộng hơn 3,4 tỉ đồng (chưa tính phần lợi nhuận từ nuôi cá). Hiện TAND TP Vĩnh Long đã thụ lý vụ kiện.

“Chúng tôi mong tòa sớm giải quyết vụ kiện, vì sau vụ sạt lở bà con chúng tôi lâm nợ chồng chất. Cuộc sống chúng tôi đa phần nhờ vào tiền thu hoạch nhãn và nuôi cá nhưng nhãn thì bị bệnh chỗi ròng mất mùa, còn cá nuôi thì bị thiệt hại thua lỗ nặng. Tôi bị thiệt hại từ sạt lở hơn 100 triệu đồng, đã bán bè trả nợ nhưng vẫn còn thiếu ngân hàng 50 triệu đồng” - anh Trần Văn Luận, một trong tám người khởi kiện nói.

Nói về nạn khai thác cát, ông Bùi Minh Quận, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, giải thích: “Chuyện cấp phép cho các xáng do Sở TN&MT phụ trách, huyện không biết tọa độ, phạm vi khai thác. Mỗi lần bà con báo thì huyện chỉ đạo thanh tra, kiểm tra nhưng phải phối hợp với Sở vì phương tiện và biên chế của Phòng TN&MT huyện thiếu, trong khi xáng vào gần bờ ban đêm, lực lượng của huyện đâu thể túc trực mãi được”.

Dân An Giang cũng kiện

Ngày 14-8, ông Nguyễn Quang Chân, Chánh án TAND huyện An Phú (An Giang), cho biết cách ba tháng trước, tòa này cũng đã thụ lý vụ kiện của bảy hộ dân tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Trường (An Phú) đối với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Xây dựng Ngọc Như Ý và DNTN Thái Hiền (đóng tại thị xã Châu Đốc). Người dân yêu cầu tòa buộc hai doanh nghiệp này phải bồi thường giá trị của khối lượng khoảng ba công đất đang trồng hoa màu, bị sạt lở xuống sông Hậu do việc khai thác cát. “Tòa đang tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm đưa vụ án ra xét xử” - ông Chân nói.

Nguyên bí thư Hồng Ngự bị đề nghị truy tố vì… cát

Mới đây, cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp vừa kết luận điều tra vụ khai thác cát trái phép trên sông Tiền (xảy ra trên địa bàn xã Thường Thới Tiền, Hồng Ngự, Đồng Tháp). Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 10 bị can, trong đó có nguyên bí thư Huyện ủy Hồng Ngự Nguyễn Hồng Lâm (về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên). Riêng ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, cơ quan điều tra cho rằng ông là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện nhưng để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, gây dư luận xấu trong nhân dân. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra vụ án đã hết nhưng chưa làm rõ được hành vi vi phạm của ông Hưng nên cơ quan điều tra nói để điều tra, xử lý sau.

Cạp cát lở sông bị kiện ảnh 2

Người dân vùng sạt lở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị thiệt hại nhiều nhưng chưa đòi bồi thường được. Ảnh: VS

Người dân Hồng Ngự cho rằng việc khai thác cát trái phép đã gây ra nạn sạt lở nhưng trong kết luận điều tra không nêu rõ nguyên nhân này. Vì thế, bà con chưa có cơ sở để đòi quyền lợi.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm