Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Đại biểu lo, bộ trưởng nói ổn

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-8, đại biểu Quốc hội chất vấn về nhiều vấn đề nóng như tiến độ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ triển khai 10 năm chưa xong; những hệ  lụy từ mạng xã hội (MXH)…

Sẽ thông xe Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020

“Phó Thủ tướng và bộ trưởng GTVT khẳng định cam kết các giải pháp đảm bảo tiến độ thi công đối với tuyến đường cao tốc Trung lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 như thế nào?” - đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) chất vấn.

Đáp lại, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận: “Dự án triển khai cách đây 10 năm, tuy nhiên đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm”. Ông cho biết đối với đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận, Chính phủ vừa quyết định bổ sung 2.186 tỉ đồng hỗ trợ cho nhà đầu tư và cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án.

Người đứng đầu ngành giao thông cho rằng với 2.186 tỉ đồng hỗ trợ nhà đầu tư thì phương án tài chính đã khả thi. Phần vốn nhà đầu tư bỏ vào khoảng 3.000 tỉ đồng, còn lại là vốn huy động của các tổ chức tín dụng.

Vừa qua Chính phủ đã họp giao thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ 6.000 tỉ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

“Tôi thấy các tổ chức tín dụng đang phối hợp để bổ sung vốn” - ông Thể nói và cho rằng nếu được nguồn vốn này, dự án đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương đến Mỹ Thuận và sẽ hoàn thành toàn bộ dự án  trong năm 2021, đúng như chỉ đạo hiện nay của Chính phủ.

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, theo bộ trưởng GTVT, Quốc hội bố trí 5.100 tỉ đồng. Đến thời điểm này, Bộ đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. Theo kế hoạch, quý I-2020 sẽ khởi công cầu Mỹ Thuận 2. Riêng hai đường vào cầu đến tháng 12 này sẽ khởi công.

Ông Thể cho hay khó khăn nhất là đoạn cuối từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, đến thời điểm này chưa mở thầu. Lý do là cần bổ sung nguồn vốn 932 tỉ đồng thì phương án tài chính mới khả thi. “Vừa qua, Thủ tướng đã quyết định bổ sung nguồn vốn 932 tỉ đồng cho dự án này. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có quyết định chính thức của Thủ tướng. Khi có quyết định, chúng tôi sẽ mở thầu” - Bộ trưởng Thể nói.

Ông cho biết dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ mở thầu, đồng thời Bộ GTVT sẽ làm việc với Đồng Tháp, Vĩnh Long và bàn giao 932 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng.

Nghe ông Thể trả lời, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn: “Công việc triển khai còn bề bộn nhưng chỉ còn khoảng 16 tháng nữa, chúng ta triển khai được không?”. “Với trách nhiệm của mình, chúng tôi cam kết cố gắng để thông xe sớm nhất đến Cần Thơ” - bộ trưởng GTVT khẳng định.

Vẫn chưa yên tâm, ông Giàu giơ biển xin tranh luận và dẫn lại câu châm biếm trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật vừa phát hành: “Ví dầu cao tốc miền Tây/ Xây đi, xây lại, xây hoài không xong”.

“Tôi thấy quyết tâm của bộ trưởng, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ thì mừng lắm. Tuy nhiên, câu nói kia thấm vào nhiều người chứ không phải cá nhân tôi” - ông Giàu nói.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (phải) trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Tập trung xây mạng xã hội của Việt Nam

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Theo đại biểu, MXH bây giờ không phải là ảo mà là thật, đang diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều người sử dụng môi trường chống phá đất nước, kêu gọi, kích động người dân biểu tình, bạo loạn, thông tin sai sự thật, vu khống, lừa đảo, đánh bạc nghìn tỉ… “Xin bộ trưởng cho biết kết quả nổi bật, ấn tượng nhất từ khi bộ trưởng trả lời chất vấn đến nay. Khi nào Việt Nam có các trang mạng uy tín, chất lượng thay thế các trang MXH khác?...” - ông hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Bộ đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành một trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng: Giám sát được các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát được thông tin trên không gian mạng, báo điện tử, MXH.

Một ngày trung tâm xử lý được khoảng 100 triệu tin, phân loại, đánh giá tỉ lệ thông tin tích cực và tiêu cực... Trước đây tỉ lệ thông tin tiêu cực trên 30% nhưng hiện nay đã được điều chỉnh chỉ còn dưới 10%.

Câu chuyện thứ hai cũng rất nan giải là đấu tranh với các MXH nước ngoài trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, trong khi họ chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp của Việt Nam” - Bộ trưởng Hùng nói và khẳng định một năm vừa qua Bộ rất tích cực. Kết quả, đối với Facebook, trước đây nhà nước đưa ra yêu cầu họ chỉ thực hiện được khoảng 30%, nay tỉ lệ này là 70%-75%. Trước đây YouTube tuân thủ khoảng 60%, bây giờ là khoảng 80%-85%...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sau đó khẳng định nếu Việt Nam không có MXH của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, thậm chí chúng ta mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài. “Nói vui là “não người Việt Nam ở nước ngoài” - Bộ trưởng Hùng ví von.

Theo ông, hiện các MXH Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao, trong khi các MXH nước ngoài có khoảng 90 triệu. “Nếu chúng ta giữ tốc độ tăng trưởng 30% như một năm qua thì có thể khoảng năm 2020 hoặc chậm nhất năm 2021, chúng ta sẽ đạt được tỉ lệ 50-50” - ông Hùng nói.

Kỷ luật hàng loạt cán bộ sai phạm trong vụ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng thời gian qua, việc đóng tàu cho ngư dân không đảm bảo chất lượng, gây tốn kém, lãng phí. Bà đề nghị bộ trưởng NN&PTNT cho biết nguyên nhân, có vi phạm pháp luật không và đề nghị bộ trưởng đánh giá hiệu quả của chính sách đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67/2014.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết quá trình tổ chức thực hiện có 20 chiếc tàu của Bình Định xảy ra việc máy không đúng chủng loại, hỏng hóc từng bộ phận... Theo ông Cường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các công ty đóng tàu, đồng thời có sự liên quan của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, trong đó có Bộ Nông nghiệp.

“Về phía Bộ Nông nghiệp, chúng tôi đã tiến hành rà soát, xác định cơ quan trực tiếp liên quan đến việc này là trung tâm đăng kiểm của Bộ thuộc Tổng cục Thủy sản. Anh đăng kiểm gì lại để xảy ra tình trạng thế này?” - ông Cường nói.

Ông thông tin Bộ Nông nghiệp đã tiến hành kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ trực tiếp liên quan. Cụ thể, tiến hành cảnh cáo, thu hồi ba thẻ đăng kiểm của ba cán bộ đăng kiểm của trung tâm (trực tiếp tham gia việc đăng kiểm); cảnh cáo giám đốc trung tâm đăng kiểm này; khiển trách phó giám đốc phụ trách ba cán bộ đăng kiểm trên.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm