Cao tốc tỉ đô lún nứt: Đổ cho trời là hại dân

Vết nứt không làm ảnh hưởng lớn đến kết cấu, độ an toàn của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và giải pháp xử lý cũng không quá phức tạp. Tuy nhiên, việc giải thích theo xu hướng đổ lỗi cho… trời của một số đơn vị liên quan là chưa ổn - các chuyên gia giao thông đánh giá khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Khi thi công đã có vấn đề

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết dự án trị giá gần 1,5 tỉ USD này được thực hiện theo quy chuẩn quốc tế. Các nhà thầu nước ngoài tham gia đều có tên tuổi. Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi có được, quá trình thi công, giám sát dự án có nhiều điểm không ổn. Đơn cử như đầu năm 2012, sau khi kiểm tra chất lượng thi công, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (gọi tắt là hội đồng nghiệm thu) đã chỉ rõ nhiều gói thầu chậm tiến độ do năng lực nhà thầu yếu, trong khi nhà thầu chính chưa làm tốt vai trò điều hành, quản lý.

Hội đồng nghiệm thu cũng xác định việc thi công nền đường chưa được thực hiện tốt. Cụ thể, ở một số đoạn nền đường đang thi công có lớp đất đắp không được san bằng phẳng trước khi lu lèn, bề dày các lớp đắp không đồng đều, có một số điểm trũng cục bộ. Tương tự, chất lượng vật liệu đắp chưa đồng đều, tại một số nơi có độ ẩm cao, nền mặt bị nứt sau khi lu lèn… Đặc biệt, năng lực chuyên môn của tư vấn giám sát không đồng đều, chưa phát hiện và có biện pháp khắc phục các tồn tại kỹ thuật trong thi công.

Với quá trình thi công còn nhiều vấn đề như đã nêu, rõ ràng việc giải thích đây là sự cố bất khả kháng và không đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị liên quan là chưa thỏa đáng.

Mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nứt sau khi vừa thông xe. Ảnh: CT

Lỗi kỹ thuật hay năng lực yếu?

Luật sư Lê Thanh Trang, Đoàn Luật sư TP.HCM, lý giải: Bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan (lũ lụt, thiên tai…) không thể lường trước và không thể khắc phục được, dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép. Theo luật định, khi xảy ra thiệt hại do sự kiện bất khả kháng thì không thể quy kết trách nhiệm, yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ khi có thỏa thuận khác.

“Như vậy, không thể nói sự cố lún nứt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là bất khả kháng. Nhiệm vụ của các đơn vị là phải khảo sát, thiết kế, thi công một con đường đạt chuẩn với mức độ lún tối đa được phép. Giờ họ không làm được rồi cho rằng sự cố ngoài tầm kiểm soát thì chỉ có thể lý giải rằng năng lực yếu. Mặt khác, nếu Nhà nước chấp nhận cách giải thích này thì sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm” - luật sư Trang nhấn mạnh.

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, vấn đề lún đã được dự kiến trước nhưng sau đó các đơn vị lại giải thích là bất khả kháng. Các lý giải này tự mâu thuẫn nhau bởi bất khả kháng nói lên hiện tượng không dự đoán trước được và nếu xảy ra cũng không cách gì chống đỡ được. “Theo lời tư vấn trưởng, khi khảo sát thiết kế không phát hiện ra đất yếu, đến khi thi công mới biết và khoan bổ sung để xử lý. Nhưng việc khoan bổ sung vẫn không đủ, dẫn đến tính toán sơ đồ cung trượt sai so với địa tầng thực tế. Do vậy, phải khẳng định đây là sơ suất về kỹ thuật cả trong giai đoạn khảo sát thiết kế ban đầu lẫn giám sát thi công” - TS Phạm Sanh nói.

Theo ông Sanh, việc cần làm bây giờ là phải giải quyết sự cố theo đúng Luật Xây dựng, tức phải phân tích, đánh giá nguyên nhân sự cố rồi đưa ra giải pháp xử lý đúng. Các đơn vị liên quan đừng vì sợ mất uy tín mà giải thích quanh co, thiếu khách quan dễ gây phản ứng xấu của dư luận. “Cần xem lại các văn bản pháp luật cũng như thông lệ quốc tế để thấy rằng không ai gọi sự cố này là bất khả kháng cả. Do vậy, nếu nhận dạng nguyên nhân sai, thay vì sai sót kỹ thuật (chủ quan) lại cho là bất khả kháng (khách quan) thì việc xử lý hợp đồng, quy trách nhiệm các đơn vị liên quan sẽ hoàn toàn khác (nếu sự cố bất khả kháng thì không thể yêu cầu nhà thầu bồi thường thiệt hại và Nhà nước sẽ phải bỏ kinh phí ra khắc phục - PV). Nói nôm na nếu đổ hết lỗi cho ông trời thì mọi thiệt hại cuối cùng sẽ đổ hết lên đầu người dân” - TS Phạm Sanh nói.

MINH PHONG

Tư vấn giám sát: Sự cố bất khả kháng!

Theo VEC, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được triển khai theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, Công ty OC (Nhật Bản) được chọn làm tư vấn thiết kế, Công ty Getinsa Ingenieria S.L (Tây Ban Nha) là tư vấn giám sát. Nhà thầu thi công là các đơn vị tên tuổi đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Vị trí mặt đường cao tốc bị nứt thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam thi công. Đơn vị này khẳng định luôn bám sát thiết kế được duyệt, thi công dưới sự giám sát chặt chẽ của tư vấn và VEC. Tháng 7-2013, khi phát hiện đoạn đường có nền đất yếu, đơn vị đã lập tức khoan thăm dò địa chất và thiết kế xử lý bổ sung.

Tương tự, tư vấn giám sát cho rằng các điểm đất yếu chỉ được phát hiện trong lúc thi công. Trước đó, dù đã tuân thủ đúng quy trình nhưng khâu khảo sát, thiết kế ban đầu đã không nhận dạng được các điểm đất yếu. Chính việc không định hình được mặt trượt nguy hiểm nên không tính được điều kiện bất lợi nhất của cung trượt. “Đây là việc bất khả kháng chứ không phải do năng lực của tư vấn hay chất lượng thi công” - ông Fracisco Javier De Bonnifaz Barria, tư vấn trưởng giám sát dự án, trả lời trên báo Giao Thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm