Cảnh báo từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam sạt lở đất rất cao

Đến chiều tối ngày 15-11, bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu dần thành một vùng áp thấp và tan dần.

Một nhà hàng ven biển TP Hội An (Quảng Nam) bị thiệt hại sau khi bão 13 quét qua. Ảnh: THANH NHẬT

Mặc dù cường độ bão đã giảm nhưng lõi bão khoảng 30 km bên trong vẫn còn mây đối lưu đã gây ra gió rất mạnh. Do ảnh hưởng của bão số 13, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Đơn cử như ở hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh), hồ Vạn Trạch (Quảng Bình) lượng mưa lên tới 250 mm.
Bão số 13 tuy đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng hoàn lưu sau bão vẫn gây ra nhiều nguy hiểm. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (TTDBKTTVQG) cho biết trong hôm nay (16-11), trên đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khu vực đồng bằng Bắc bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 120 mm.
Đặc biệt, TTDBKTTVQG cảnh báo do mưa lớn, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất. Các điểm, khu vực này dựa trên kết quả điều tra, đánh giá đến tháng 10-2020 của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản; Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Cụ thể, các huyện có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở tỉnh Quảng Bình gồm Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Các địa điểm có nguy cơ rất cao ở tỉnh Quảng Trị gồm các xã Vĩnh Trường, Vĩnh Hà, Vĩnh Ô của huyện Vĩnh Linh; nguy cơ cao có huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa. Tại Thừa Thiên-Huế, nguy cơ sạt lở đất gồm các huyện Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà.
Tại Quảng Nam có các xã Za Hung, Jơ Ngây, A Rôi, A Ting, Ba, Jo Ngây, Ka Dăng, Mà CooiH, Sông Kôn, Tà Lu, thị trấn P’Rao của huyện Đông Giang. Hà Tĩnh có các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê.
TTDBKTTVQG cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, đặc biệt tại các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh); huyện Lệ Thủy, thị xã Đồng Hới, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình).
Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu người dân, các địa phương, các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão. Đồng thời luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất khi có yêu cầu.
Đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện
Ban chỉ đạo trung ương cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê biển, nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước, các khu vực trọng điểm đê điều; tiếp tục tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm