Cảnh báo tình trạng giết người thân trong gia đình tăng

Ngày 6-11, Quốc hội bắt đầu 1,5 ngày nghe và thảo luận các báo cáo về tư pháp. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên phiên thảo luận về các báo cáo tư pháp được truyền hình trực tiếp.
Tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp

Trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay năm 2017 hoạt động tội phạm được kiềm chế, kéo giảm. Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia qua điều tra cho thấy các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phá hoại các hoạt động về tư tưởng, xuyên tạc, móc nối... chống Đảng, Nhà nước; kích động, gây rối an ninh trật tự, âm mưu tiến hành các hoạt động khủng bố phá hoại. 

Hoạt động tấn công mạng diễn ra nghiêm trọng, tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước gia tăng về số vụ và tính chất.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Theo báo cáo của Bộ Công an, mặc dù số vụ phạm pháp hình sự và số người phạm tội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng và diễn biến phức tạp như số vụ giết người tăng 1,44%, tội phạm môi trường tăng hơn 19%, tội phạm về ma túy tăng hơn 10% với diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm... Các vụ án giết nhiều người, đặc biệt là các vụ giết người thân trong gia đình tăng 5,66%, với thủ đoạn dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống của một số đối tượng, gây bức xúc trong xã hội.

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương gây lo lắng trong dư luận (phát hiện 446 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng hơn 5%, 8 vụ cưỡng dâm trẻ em, tăng hơn 14%), chưa kể còn nhiều trường hợp có đơn tố giác các hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng cơ quan chức năng chưa có đủ chứng cứ để chứng minh. Việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em còn chậm...

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hoạt động của các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, lưu manh, côn đồ, sử dụng vũ khí vẫn diễn ra ở một số nơi, đáng chú ý là sự gắn kết đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế, ma túy. Tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp. Tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động xảy ra ở một số địa phương.

Vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực tài chính-ngân hàng, sử dụng công nghệ cao, buôn lậu, gian lận thương mại, môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc, gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng...

Phá rừng nghiêm trọng nhưng chậm phát hiện, xử lý

Báo cáo của Bộ Công an cũng cho thấy tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong thời gian qua.

Trong báo cáo thẩm tra gửi tới các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tư pháp cho rằng tình trạng này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng còn yếu kém, bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên. Một bộ phận cán bộ chính quyền địa phương, kiểm lâm thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm, thậm chí có biểu hiện làm ngơ, tiếp tay cho phá rừng.

Đáng chú ý hơn, tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nhiều vụ đã khởi tố vụ án nhưng không khởi tố được bị can (tại tỉnh Quảng Nam khởi tố 25 vụ án phá rừng nhưng không khởi tố được bị can nào).

“Tội phạm về chức vụ, tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế” - báo cáo thẩm tra nhận định.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng những vi phạm pháp luật và tội phạm nổi lên nêu trên không chỉ mới xuất hiện trong năm 2017 mà đã kéo dài nhiều năm và đang tiếp tục gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, cho thấy hiệu quả công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc còn nể nang, né tránh, chưa xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý khi để xảy ra vi phạm, thậm chí có cả trường hợp “bảo kê” cho vi phạm.

“Đề nghị Chính phủ có giải pháp kiên quyết hơn, xử lý nghiêm các vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, kéo dài (ví dụ: tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép, mất an toàn vệ sinh thực phẩm)” - báo cáo thẩm tra nêu.

“Hành chính hóa” quan hệ hình sự

Một vấn đề quan trọng khác, theo Ủy ban Tư pháp, số lượng vi phạm pháp luật hành chính là rất lớn. Trong đó nhiều vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự nhưng số vụ kiến nghị xử lý hình sự không nhiều, mức xử phạt hành chính theo quy định trong nhiều trường hợp quá nhẹ dẫn đến tình trạng chấp hành pháp luật không nghiêm, “nhờn luật”.

Dư luận và cử tri cho rằng một số trường hợp còn có biểu hiện “hành chính hóa” quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Đây là vấn đề đã được Ủy ban Tư pháp nêu và kiến nghị với Chính phủ qua nhiều năm nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu con số, trong tổng số gần 4 triệu vụ vi phạm hành chính được phát hiện, cơ quan có thẩm quyền chỉ chuyển xử lý bằng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên là hơn 24.600 vụ, chiếm 0,63%.

Mức phạt vi phạm hành chính vụ hơn 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi (TP.HCM), đối với 13 chủ hàng mỗi chủ hàng chỉ 30-35 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động lò mổ Xuyên Á. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm