Cảng Đà Nẵng từ chối vay ODA vì sợ lỗ

Báo cáo với đoàn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc cảng Đà Nẵng từ chối vốn ODA của Nhật trong dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, ông Bùi Hồng Trung (Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng) cho hay: “Vừa rồi lãnh đạo TP cũng đã làm việc trực tiếp với cảng về việc nhanh chóng xúc tiến triển khai dự án này. Về nguồn vốn thì TP cũng đã tìm giúp ODA của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) nhưng bên cảng Đà Nẵng muốn giành quyền chủ động, từ chối vay ODA. Anh Sia (ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc cảng Đà Nẵng - PV) còn tuyên bố sẽ quyết tâm làm bằng được, nếu làm không được sẽ từ chức” - ông Trung nói.

Sợ tỉ giá đồng yen

Cũng theo ông Bùi Hồng Trung, cảng Đà Nẵng đã trình hồ sơ dự án gửi các sở, ngành liên quan. Theo đó tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 này là 1.070 tỉ đồng. Các sở, ban ngành cũng đang hỗ trợ để cảng triển khai sớm. “Phía cảng đã cam kết đến cuối tháng 12-2015 sẽ khởi công và đến giữa 2018 sẽ hoàn thành toàn bộ việc nâng cấp mở rộng giai đoạn 2. Hy vọng là họ sẽ đáp ứng đúng tiến độ. Sở và các ban, ngành sẽ theo dõi sát, báo cáo thường xuyên việc này cho TP” - ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) băn khoăn: “Bây giờ cảng Đà Nẵng định hướng sẽ là trung tâm logistics của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Nếu đầu tư xây dựng cảng chậm tiến độ, không đưa vào hoạt động kịp thì TP khó mà trở thành trung tâm logistics của khu vực được. Chúng tôi rất lo về vấn đề này. Vì đến bây giờ phát triển logistics của TP vẫn giẫm chân tại chỗ”.

Ông Nguyễn Đức Kiên thông tin vừa qua ông có làm việc với JICA thì họ cũng nhắc đến việc cảng Đà Nẵng từ chối vốn ODA của họ. “Họ bảo nếu mà không vay thì họ sẽ chuyển nguồn vốn đó sang cho dự án khác. Nhưng Bộ GTVT lại muốn giữ nguồn vốn đó để làm cho công trình giao thông chứ không chuyển sang các dự án khác. Cho nên họ đang quay vào tính làm ở chỗ cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, trước đó họ đã đầu tư trong đó rồi” - ông Kiên nói.

Trong khi đó, ông Võ Duy Khương (Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng) cho biết ý của TP là muốn triển khai theo phương án vay ODA của phía Nhật. Vì người Nhật họ cũng nhiệt tình và TP cũng đã tích cực vận động để có nguồn vốn này mấy năm nay. “Thế nhưng phía cảng Đà Nẵng đưa ra là ở giai đoạn 1 họ cũng đi vay ODA của Nhật. Nhưng tỉ giá đồng yen thì liên tục tăng, họ phải dùng tiền Việt Nam quy đổi ra đồng yen để trả nên bị lỗ nhiều. Do đó họ sợ điều đó khi tiếp tục vay trong giai đoạn 2” - ông Khương cho hay.

Cảng Đà Nẵng sẽ tự huy động vốn trên 1.000 tỉ đồng để thực hiện dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và từ chối vay ODA vì đã từng vay và bị lỗ. Ảnh: LÊ PHI

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng nói: “Một trong những nguyên nhân khiến cảng Đà Nẵng từ chối vay ODA của Nhật là vì quá sợ tỉ giá đồng yen”. Ảnh: LÊ PHI

Cảng đã có phương án huy động vốn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên vẫn chưa hết băn khoăn trước việc “chưa từng có tiền lệ” là cảng Đà Nẵng từ chối vay ODA. Vì nếu không huy động được vốn thì việc nâng cấp cảng Tiên Sa chắc chắn sẽ chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, logistics của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Ông Kiên dẫn chứng theo báo cáo trong quý I thì TP Đà Nẵng huy động được 64.000 tỉ đồng nhưng cũng cho vay tới 64.000 tỉ đồng nên cảng Đà Nẵng sẽ hết sức khó khăn trong huy động vốn. “Như vậy thì ông Thu (ông Nguyễn Thu, Chủ tịch HĐQT cảng Đà Nẵng - PV) lấy ở đâu ra để ổng huy động nữa, tôi cũng chưa hiểu được” - Phó Chủ nhiệm Kiên đặt câu hỏi.

Trả lời việc này, Phó Chủ tịch Thường trực Võ Duy Khương cho hay: Phía cảng Đà Nẵng đã tính phương án huy động vốn. “Nói thế nào thì nói, bây giờ cảng Đà Nẵng cũng đã cổ phần hóa mà ổng lại nói nếu làm không được sẽ từ chức nên mình cũng chỉ có thể can thiệp ở mức độ nào đó thôi. Phía cảng cho biết họ sẽ huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Chứ vay tiền nước ngoài giờ mấy ảnh cũng sợ” - ông Khương nói.

Qua mặt lãnh đạo, “ém” tới 17.000 lô đất

Một diễn biến khác, ông Võ Duy Khương (Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng) cho hay trong thời gian dài TP luôn phải nợ đất tái định cư (TĐC) của dân. Nguyên nhân là do cán bộ tại các ban quản lý giấu đất. Vì vậy, có người dân phải chờ đợi 3-4 năm, thậm chí đến năm năm vẫn chưa có đất.

“Do trước đây TP giao quá nhiều dự án cho 17 ban quản lý. Vì vậy, khi triển khai dự án, tiền ngân sách thì đưa xuống, đất thì làm ra rồi nhưng lại giấu không báo cáo lên cho TP. Khi TP tiến hành rà soát lại tất cả các ban thì lúc đầu lòi ra 14.000 lô. Vừa rồi tổng hợp đầy đủ là thừa 17.000 lô. Thừa 17.000 lô như vậy nhưng dân vẫn phải chịu 3-4 năm nay” - ông Khương cho biết.

Với 17.000 lô đất trên, đến nay TP Đà Nẵng đã cơ bản giải quyết xong nợ đất TĐC cho dân. Ngoài ra, TP đang tính tới việc chuyển một phần diện tích đất thừa này để làm công viên, khu vui chơi công cộng. Phần còn lại tiếp tục bố trí TĐC và tiếp đến là bán với giá ưu đãi cho cán bộ, công chức, viên chức đang gặp khó khăn về nhà ở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm