Cảng biển TP.HCM mất dần lợi thế

Ngày 19-1, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy, Sở GTVT TP.HCM, cho hay: Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển trên địa bàn TP chỉ đạt khoảng 70 triệu tấn, giảm hơn 4% so với năm 2009 (75 triệu tấn).

Kết nối giao thông bộ còn hạn chế

Trong nhiều năm qua, hoạt động cảng biển ở TP thuộc nhóm chín ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. TP cũng xác định, dịch vụ cảng - logistic (các dịch vụ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan…) vẫn là một ngành dịch vụ được tập trung đầu tư, bảo đảm có tốc độ tăng trưởng cao với tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của TP.

Tuy nhiên, mục tiêu trên đang đứng trước thách thức bởi lần đầu tiên sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển ở TP sụt giảm. Ông Bằng nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu của việc giảm sản lượng nêu trên là do các cảng mới di dời ra khu vực Cát Lái, Phú Hữu và Hiệp Phước nhưng việc kết nối giao thông bộ còn rất hạn chế.

Cảng biển TP.HCM mất dần lợi thế ảnh 1

Cảng biển TP được xây nhanh, hiện đại nhưng gặp trở ngại do kết nối giao thông không đồng bộ. Ảnh: MP

Điển hình, cảng Cát Lái (quận 2) đã khai thác trong nhiều năm nhưng tuyến liên tỉnh lộ 25B dẫn vào cảng thường xuyên tắc nghẽn, chậm được mở rộng. Cảng Phú Hữu (quận 9), cảng Sài Gòn mới ở Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) thực hiện theo chủ trương di dời, dù đã hoàn thành giai đoạn một vẫn chưa khai thác được vì chưa có đường nối vào cảng. “Mặt khác, cảng biển Cái Mép-Thị Vải ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát triển nhanh và đồng bộ về kết nối hạ tầng giao thông bộ nên có sự chuyển dịch lớn hàng hóa thông qua cụm cảng biển này” - ông Bằng nói.

Không đón được tàu lớn

Theo thống kê, gần đây lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực cụm cảng số 5 (gồm các địa phương Long An, Tiền Giang, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu) tăng mạnh, đặc biệt là hàng container. Để giảm chi phí, các hãng tàu có xu thế đưa tàu lớn vào khai thác. Nhưng các cảng biển ở TP.HCM chỉ có thể tiếp nhận tàu có mớn nước đến 11 m (tương ứng với các loại tàu có sức chở tối đa 1.500 TEU). Mức này quá nhỏ so với các tàu biển hiện nay bởi nhiều tàu có sức chở đến 10.000 TEU, thậm chí 12.000 TEU. “Các luồng Lòng Tàu, Soài Rạp dẫn tàu vào cụm cảng ở TP chưa được đầu tư, nạo vét thường xuyên nên TP không thể đón được các tàu biển lớn” - ông Bằng nói.

4% là sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2009.

Trong khi các cảng tại TP “nói không” với tàu tải trọng lớn thì đây lại là ưu thế của cụm cảng Thị Vải-Cái Mép. Cụm cảng này có nhiều cảng nước sâu, có thể đón được các tàu mẹ tải trọng đến 80.000 tấn (tương đương 4.000 TEU). Ngoài ra, các nhà đầu tư còn thiết kế các cầu cảng cho phép tiếp nhận tàu đến 10.000 TEU, tức đã đón đầu xu thế hoạt động của các hãng tàu. “Sức tiếp nhận tàu biển ở cụm cảng Cái Mép-Thị Vải gấp chín lần cụm cảng TP.HCM. Khi xu thế đưa tàu lớn vào khai thác, vận chuyển hàng hóa là nhu cầu cấp thiết để các hãng tàu cạnh tranh, địa chỉ họ tìm đến sẽ là cụm cảng Cái Mép-Thị Vải chứ không phải TP.HCM nữa” - ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, cảnh báo.

Để TP sớm lấy lại thế mạnh về cảng biển, ông Bằng kiến nghị UBND TP sớm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng được xây dựng ở các khu vực mới. Cạnh đó, TP cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho mạng lưới giao thông đường thủy, phát triển mạng lưới các cảng, bến thủy nội địa để làm tốt vai trò là nơi trung chuyển hàng hóa cho các cảng biển ở TP.

Áp lực từ nhiều phía

Hoạt động cảng biển ở TP.HCM đang bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều phía. Hiện khoảng 70% hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực ĐBSCL phải quá cảnh tại các cảng ở TP.HCM. Nhưng trong tương lai, nhóm cảng biển số 6 của khu vực này sẽ phát triển mạnh sau khi luồng tắt vào sông Hậu hoàn thành. Lúc ấy, hệ thống cảng biển của ĐBSCL sẽ đủ năng lực đáp ứng lượng hàng hóa xuất khẩu trong khu vực, hiện khoảng 15 triệu tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh Long An cũng đang xây cảng quốc tế, đón được tàu 70.000 DWT. Như vậy, một lượng lớn hàng hóa ở ĐBSCL lâu nay quá cảnh lên TP.HCM sẽ bị chia sẻ. Tuy vậy, đối thủ đáng gờm đối với hoạt động cảng biển của TP chính là cụm cảng biển khu vực Cái Mép-Thị Vải.

Cần ưu tiên tập trung vào dịch vụ logistics

Điểm yếu nhất của hệ thống cảng biển TP.HCM là thiếu hệ thống đường sắt nối kết với cảng, hệ thống đường bộ lại thường xuyên tắc nghẽn, xe container chỉ được tự do hoạt động vào ban đêm. Điều này khiến việc giải phóng tàu chậm, năng suất xếp dỡ thấp làm giá thành vận tải biển tăng.

Đứng trước xu thế cạnh tranh, TP.HCM cần phải xây dựng kế hoạch, sách lược phát triển về hoạt động của cảng biển ở khu vực cho phù hợp, trong đó cần ưu tiên tập trung vào dịch vụ logistics để hỗ trợ cho hoạt động cảng biển phát triển.

Ông NGÔ LỰC TẢI,
Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm