Cần xử hình sự cán bộ 'dính' xây dựng trái phép để răn đe

Sáng 26-2, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng về tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính giai đoạn từ tháng 7-2013 đến tháng 12-2019.

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng, từ năm 2013 đến 2019, có 9.724 vụ vi phạm xây dựng bị phát hiện và xử phạt. Cơ quan chức năng cũng đã ban hành 9.724 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 174 tỉ đồng.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Tuy nhiên, tính tới thời điểm này mới chỉ có gần 5.000 quyết định được thực hiện, số tồn đọng còn lại khoảng 4.700 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho biết trong gần 4.700 quyết định tồn đọng chưa thi hành, có khoảng 40% chưa đóng tiền nhưng đã cưỡng chế, 30% chưa cưỡng chế nhưng đã đóng tiền. 30% còn lại chưa thi hành thu tiền và cưỡng chế.

Sở Xây dựng đánh giá tỉ lệ chấp hành các quyết định hành chính còn thấp. Từ năm 2013 đến 2017 đạt trên 55% nhưng giai đoạn 2018-2019 tỉ lệ này chỉ còn dưới 50%.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do các đối tượng vi phạm không có khả năng nộp phạt, việc tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm ảnh hưởng đến nơi ở, làm việc của đối tượng vi phạm.

"Cạnh đó, việc cưỡng chế tháo dỡ công trình rất phức tạp, dễ gây mất an ninh trật tự nên UBND cấp huyện, xã chưa quyết liệt tổ chức cưỡng chế" - ông Long nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là đảm bảo nhanh, đúng và nghiêm minh. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là tâm lý người dân. "Chẳng hạn như vụ xây vượt tầng tại tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội), đến nay đã hơn một năm vẫn chưa xử lý được, khiến tâm lý dư luận rất bất bình" - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, TP đang quyết tâm để dẹp cho được hiện tượng đầu nậu, bảo kê xây dựng nhà trái phép. "Có hay không cán bộ tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng? Sở Xây dựng đã từng xử lý cán bộ có liên quan đến tình trạng này chưa? Có trường hợp nào khởi tố hình sự hay chưa?" - đại biểu Nghĩa đặt vấn đề.

Theo đại biểu Nghĩa, nếu đủ cơ sở thì phải khởi tố hình sự. "Có thể bản án chỉ là cảnh cáo hoặc án treo nhưng việc khởi tố hình sự là sự răn đe rất lớn, cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật" - đại biểu Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho rằng trong thời gian qua, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 23, UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chỉ thị này và thực tế tình trạng vi phạm xây dựng cũng có giảm. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, việc giảm sẽ không bền vững, bởi nhu cầu nhà ở hiện nay là rất lớn. Nếu không tiếp tục làm nghiêm, làm mạnh sẽ khó giảm bền vững.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Sở Xây dựng cần nói rõ hơn về các số liệu, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật để phục vụ cho việc sửa Luật Xây dựng trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề tiêu cực của cán bộ, chánh Thanh tra Sở Xây dựng thừa nhận là có tình trạng cán bộ vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

"Hằng năm chúng tôi đều có xử lý các cán bộ có vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trong đó có kiểm điểm, cách chức, buộc thôi việc các cán bộ có liên quan. Riêng vụ vi phạm xây dựng không phép ở Thủ Đức vừa qua, chúng tôi cũng đã xử lý cán bộ, rút về sở. Dù rất đau lòng nhưng cũng phải xử lý để làm gương" - ông Long nói.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép diễn biến phức tạp trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên cho biết có ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất là tốc độ đô thị hóa cao và nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn. Thứ hai là có sự bất cập về quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất tại các quận, huyện.

Thứ ba là ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao trong khi chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

"Đây là những nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép hiện nay" - ông Kiên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm