Cần xem người dùng trái phép chất ma túy là người phạm pháp

Chiều 24-3, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi). Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2020), dự thảo luật được chỉnh lý lần này còn tám chương, 55 điều. Đây là kỳ họp thứ hai QH thảo luận về dự luật này nhằm hoàn thiện và dự kiến được bấm nút thông qua vào ngày 30-3 tới.

Góp ý cho dự luật, đại biểu (ĐB) QH Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị QH bổ sung quy định trách nhiệm của chủ các cơ sở kinh doanh quán karaoke, nhà hàng, khách sạn trong phòng chống ma túy.

 

Phòng chống ma túy không chỉ mỗi ngành công an

Các ĐBQH cũng thảo luận nhiều đến việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) dẫn chứng thời gian qua xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng thuốc tân dược, thú y để chiết xuất ma túy, do đó hoạt động này cần phải kiểm soát chặt. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chỉ quy định Bộ Công an có trách nhiệm với việc này nhưng không quy định trách nhiệm đối với các bộ khác như Quốc phòng, Y tế, NN&PTNT, Công Thương…

Ông phân tích: Trong chương II, dự thảo luật quy định về trách nhiệm phòng chống ma túy (từ Điều 6 đến Điều 11) chỉ quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục, báo chí, MTTQ và các thành viên trong phòng chống ma túy. Trong khi đó, trách nhiệm phòng chống ma túy của các nhóm chủ thể khác như chủ các quán karaoke, nhà hàng, khách sạn thì lại không quy định.

“Thực tiễn cho thấy có rất nhiều vụ tổ chức sử dụng ma túy được phát hiện tại nhà hàng, khách sạn, quán karaoke. Do đó cần làm rõ trách nhiệm của các chủ thể này trong công tác phòng chống ma túy, từ đó có các chế tài xử lý chủ cơ sở các loại hình kinh doanh trên khi để các đối tượng vào sử dụng ma túy” - ĐB Phan Thái Bình nói.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thì đề nghị dự luật cần thể hiện quan điểm người sử dụng trái phép chất ma túy là người vi phạm pháp luật, thay vì người bệnh để siết chặt công tác phòng chống ma túy. Ông Cầu cho hay bản thân ông khảo sát gần 9.000 hồ sơ người nghiện tại Nghệ An thì cho thấy 100% các trường hợp này sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến nghiện. Cũng chính ông đã khảo sát các trường hợp sử dụng morphine, chất hướng thần… để điều trị bệnh tại bệnh viện ung bướu thì không có trường hợp nào bị nghiện. Do đó, ông đề nghị cần sử dụng cụm từ “sử dụng trái phép chất ma túy” để chỉ người nghiện ma túy, đồng thời phải coi đối tượng này là người vi phạm pháp luật thay vì coi là người bệnh.

“Việc coi người nghiện ma túy là người bệnh để chữa trị cho họ đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý người nghiện. Trong thực tế, một số người nghiện đòi hỏi các chế độ như người bệnh…” - ĐB Cầu nói, đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường, siết chặt hơn nữa việc quản lý người nghiện, vì cả nước có khoảng 230.000 người nghiện đang ở ngoài xã hội.

Giải trình thêm về một số vấn đề các ĐBQH nêu, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định sẽ cùng cơ quan thẩm định tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các ĐB để hoàn thiện dự luật, để báo cáo trình QH thông qua dự luật theo chương trình đề ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm