'Cần xem lại điều kiện về diện tích ở khi đăng ký thường trú'

Ngày 21-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Liên quan đến điều kiện đăng ký thường trú, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay nhiều ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo Luật là cần quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội). Ảnh: QH

Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn bởi việc giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức diện tích bình quân về chỗ ở có thể sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương.

Do còn ý kiến khác nhau, dự thảo thể hiện theo hai phương án.

Phương án 1: Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người. 

Phương án 2: Đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ một năm trở lên.

Thể hiện sự đồng tình với phương án 1, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng diện tích nhà ở tối thiểu là 8 m2 sàn/người là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 (được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030).

Mức diện tích này cũng nhằm đảm bảo được điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, việc Quốc hội trao quyền cho HĐND cấp tỉnh, cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương để quy định về điều kiện và diện tích nhà ở tối thiểu trong đăng ký thường trú cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương là “điều hợp lý”.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật  Phạm Trí Thức (ĐBQH Thanh Hóa) lại đề nghị cân nhắc phương án 1.

Ông Thức cho rằng quy định này không bảo đảm tính bình đẳng về quyền con người, quyền công dân ngay trong điều luật này (giữa quy định về trường hợp là người sở hữu nhà và người về ở cùng với chủ hộ là người thân và đối với những người cho thuê, cho mượn, ở nhờ).

ĐBQH Phạm Trí Thức (Thanh Hoá). Ảnh:QH

Mặt khác, theo ông Thức, “mức sàn mỗi đầu người không thấp hơn 8 m2” là chiến lược và là mục tiêu hướng tới.

“Thực tiễn đã được thực hiện hay chưa thì chúng ta cũng chưa có tổng kết”- ông Thức nói và dẫn chứng ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), mức trung bình ở những khu phố cổ có nơi không đến 4 m2/người. 

“Ngay cả các nước phát triển nhất như thủ đô London của Anh hay Tokyo của Nhật Bản, như Hồng Kông, Trung Quốc cũng có rất nhiều căn hộ chỉ có 4 m2, thậm chí rất nhiều người phải ở trong thùng cartoon và những người vô gia cư cũng không phải là ít, rất nhiều”- ông Thức nói.

Đáng chú ý, HĐND TP Hà Nội quy định theo Luật Thủ đô phải bảo đảm 15 m2/người mới đăng ký thường trú nhưng trên thực tế cũng không cản trở được việc người dân về Hà Nội cư trú theo dạng tạm trú. 

Ông Thức dẫn chứng quận Hoàng Mai, sau khi khu chung cư HH đưa vào sử dụng, phường Hoàng Liệt tăng gấp 7 lần dân cư ở đây. Quận Hoàng Mai từ khi có Luật Thủ đô cho đến khi Ủy Ban Pháp luật tiến hành giám sát không có trường hợp nào đăng ký thường trú theo Luật Thủ đô.

“Những rào cản chúng ta đưa ra về mặt kỹ thuật cũng không đạt được, rõ ràng điều này cần phải cân nhắc”- ông Thức nói và khẳng định quy định trên cũng không phù hợp với Hiến pháp, vì Hiến pháp quy định quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế trong những trường hợp nhất định và do luật định.

“Bây giờ chúng ta lại giao cho HĐND thì cũng cần phải cân nhắc. Bởi HĐND ở 63 tỉnh, thành phố khác nhau, quy định khác nhau sẽ không bảo đảm tính thống nhất của pháp chế”- ông Thức nhấn mạnh.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh điều kiện nói trên chỉ áp dụng đối với người đến xin ở nhờ, người thuê, mượn chỗ ở, đăng ký vào cùng với chủ hộ.

“Chủ hộ đăng ký rồi thì không thể quy định bao nhiêu mét vuông mới hình thành một hộ…”- ông Tô Lâm nói.

Lý giải cụ thể, Bộ trưởng Công an dẫn chứng khu Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội) rất chật, có căn hộ 24 m2 mà 5-7 người ở, nhiều thế hệ cùng sinh sống… Trường hợp trên, dù không bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích nhưng những người thuộc quan hệ “gia đình truyền thống” như vợ, chồng, con vẫn được đăng ký thường trú theo quy định.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý và xem xét những trường hợp cụ thể để hoàn chỉnh dự luật này nhằm đáp ứng các yêu cầu của việc chỉnh sửa”- Bộ trưởng Công an nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm