Cần trả lời dứt điểm các vụ việc liên quan đến cán bộ

Ngày 6-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở TN&MT và Thanh tra TP.HCM nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 30-6-2020.

Ai làm giám đốc VPĐKĐĐ cũng bị tố

Tại Sở TN&MT, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu cho biết có tình trạng người dân khiếu nại, tố cáo giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) và chi nhánh tại các quận/huyện vì các chi nhánh cho biết hồ sơ hợp lệ nhưng phải chờ xin ý kiến VPĐKĐĐ TP nên trễ hẹn.

Về vấn đề này, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết ai làm giám đốc VPĐKĐĐ TP cũng rất nhiều lần nhận đơn tố cáo. Ông thừa nhận thực tế có một số cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa kịp thời nhưng các sự vụ bị tố cáo sau khi kiểm tra thì thực chất không phải do trách nhiệm, lỗi cụ thể của VPĐKĐĐ TP. Trong đó nhiều trường hợp liên quan đến cấp sổ hồng ở chung cư.

Lý do là người dân mua căn hộ chung cư nhưng chậm được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư bất chấp pháp lý chưa đầy đủ đã xây dựng căn hộ, bán cho người dân.

“Pháp lý chưa xong thì trình tự thủ tục về xây dựng chưa xong, quy hoạch chưa xong dẫn đến chuyện chưa thẩm định giá. Có những dự án xây dựng xong, bán gần hết cho dân cũng chưa thẩm định giá được do pháp lý chưa rõ ràng” - ông Trực phân tích.

Về việc cấp giấy chứng nhận lần đầu cho dân ở các quận/huyện, ông Trực cho biết có nhiều trường hợp quận/huyện cấp sai, sau đó phát hiện ra thì thu hồi giấy và không cấp lại.

Có những trường hợp địa phương không cấp giấy, bà con khiếu nại, lúc này địa phương xem xét pháp luật chưa kỹ lại vội vàng ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, dù khi xác minh thì vẫn không thể cấp được do vướng pháp lý.

Phó giám đốc Sở TN&MT TP cũng trăn trở nhiều trường hợp VPĐKĐĐ quận/huyện giải thích không rõ cho dân, cứ nói với dân đã chuyển lên TP. Qua rà soát, các hồ sơ đúng quy định thì hầu hết sẽ được VPĐKĐĐ TP giải quyết đúng kỳ hạn. Còn các trường hợp khác là do pháp lý nhà đất chưa rõ, bản vẽ không đúng thực tế nên buộc phải chuyển về lại địa phương.

Ông Phạm Văn Nghì, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM, báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội. Ảnh: LÊ THOA

Thanh tra TP.HCM xử lý đơn đạt 99,65%

Tại Thanh tra TP.HCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP, hỏi về đơn tố cáo liên quan đến vấn đề tham nhũng là có hay không, nhiều hay ít.

Về việc này, ông Phạm Văn Nghì, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM, cho biết: “Đơn tố cáo tham nhũng có nhưng rất ít và tính chất cũng tương đối phức tạp”.

Theo ông Nghì, từ năm 2016 đến ngày 30-6-2020, Thanh tra TP đã tổ chức tiếp thường xuyên hơn 7.000 lượt công dân, còn lãnh đạo Thanh tra TP tiếp 83 lượt. Tiếp đoàn đông người là 117 đoàn với gần 2.300 người trong 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn TP.

Thanh tra TP cũng đã tiếp nhận gần 8.500 đơn với hơn 2.400 đơn khiếu nại, hơn 2.300 đơn tố cáo, còn lại là đơn phản ánh, kiến nghị. Trong đó, số đơn đã xử lý đạt tỉ lệ 99,65%.

Theo Thanh tra TP, thời gian qua việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định. 100% đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị mà Thanh tra TP tiếp nhận được xử lý, trong đó tỉ lệ xử lý đơn đúng hạn đạt từ 90% trở lên. Việc hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và chuyển đơn, trả đơn với nội dung rõ ràng, nhanh chóng giúp người dân hiểu rõ hơn về quy trình, chức năng, thủ tục, đã hạn chế lãng phí tiền bạc khi thực hiện khiếu nại, tố cáo không đúng thẩm quyền, thiếu căn cứ.

Liên quan đến việc tố cáo nặc danh, ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TP, cũng khẳng định Thanh tra TP sẽ xem nội dung tố cáo có rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có điều kiện để xác minh không. Nếu đủ các yêu cầu trên thì một là giao cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, hai là thuộc thẩm quyền của Thanh tra TP thì Thanh tra TP cũng tiến hành xác minh.

Cán bộ không sai thì khẳng định luôn

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, nhìn nhận: Có một số cán bộ liên tục nhận được đơn thư, từ khiếu nại dẫn đến tố cáo. Trường hợp này là do vụ việc phức tạp đang chờ giải quyết. Đợi đến khi giải quyết vụ việc đó xong thì mới khẳng định người dân khiếu nại cán bộ đó có đúng hay sai, lúc đó mới minh oan được cho cán bộ.

“Tại sao Thanh tra TP không tham mưu với UBND TP để trả lời dứt điểm các vụ việc có liên quan đến cán bộ? Trong đó chuyện khiếu nại liên quan đến đất đai sẽ giải quyết theo quy định, còn chuyện tố cáo cán bộ mà mình khẳng định không sai thì nên giải quyết riêng ra để khẳng định luôn, không làm mất uy tín của cán bộ” - ĐB Tuyết đề nghị.

“ĐBQH cần khẳng định đó của cơ quan chức năng, làm cơ sở cho ĐB khi tiếp dân hoặc tiếp xúc cử tri thì có thể khẳng định rằng liên quan vụ việc đó thì cán bộ đó không có sai” - ĐB Tuyết nói thêm.

Kiến nghị triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo

Ông Đặng Tuấn Khoa, Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP, cho biết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai luôn có tỉ lệ cao. Có trường hợp người dân đi khiếu nại không được giải quyết theo ý mình đã có hành vi quá khích hoặc quay sang tố cáo cán bộ, cơ quan có thẩm quyền trở nên phổ biến.

Sở TN&MT TP kiến nghị triển khai sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ xây dựng. Việc này sẽ đáp ứng yêu cầu thống nhất về quản lý, xử lý việc trùng lặp đơn thư, đảm bảo thống nhất, chính xác về số liệu tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết đơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm