Cần Thơ: Xem lại việc cấm đò ngang chở công nhân đi làm

Tại cuộc họp, UBND huyện Phong Điền cho biết huyện có năm bến đò ngang, trong đó có bốn bến mang tính chất nội bộ thì huyện đã cho tạm dừng. Còn bến đò Vàm Xáng nối sang UBND xã Nhơn Nghĩa, chợ… thì phải chờ ý kiến của Sở GTVT. “Bến đò này phục vụ cho người dân đi lại và có cán bộ thực hiện công vụ cũng khá nhiều, chúng tôi đã đề xuất Sở GTVT cho mở lại bến này. Huyện đã dự định quy định người lần lượt lên xuống đò; khi đứng trên đò thì đảm bảo khoảng cách người cách người 2 m. Từ đó, huyện rất mong Sở GTVT cho bến đò hoạt động để phục vụ cán bộ, người dân và hàng hóa di chuyển” - đại diện UBND huyện Phong Điền nêu.

Còn đại diện UBND huyện Thới Lai cho biết cũng như Phong Điền, Thới Lai có 36 bến đò ngang, chủ yếu là bến đò nội bộ trong các xã. Vừa qua, Sở GTVT cho tạm dừng hết tất cả bến đò này làm cho người dân bức xúc vì không có đò, bến để đi lại làm ăn, đi qua chợ mua lương thực, thực phẩm. “Mấy hôm nay bà con phải chạy xe Honda vòng vòng mất 8-9 km mới qua được chỗ làm, chợ kế bên sông, vàm. Vì vậy Thới Lai đề nghị Sở GTVT nghiên cứu cho mở lại đò, bến” - đại diện UBND huyện Thới Lai phát biểu.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng việc dừng chạy đò ngang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, đặc biệt việc cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trên các địa bàn. Các đò ngang hoặc dọc chạy trong nội thủy sông, rạch, vàm của TP thì nên mở lại. Ông Mạnh đề nghị Sở GTVT trao đổi trực tiếp các huyện để sớm mở lại đò, bến và đáp ứng cả hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo đời sống người dân. “Tôi biết Sở GTVT cấm, dừng chạy đò, đóng bến là theo chỉ đạo của Bộ GTVT nhưng thực tiễn đi lại bằng đò, bến sông nước của người dân chúng ta thì phải xem xét và có tháo gỡ kịp thời trong thời gian tới đây” - ông Mạnh nói.

Trước đó, trưa 3-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, lý giải theo Thông báo 720 ban hành ngày 1-4 thì 89 bến khách ngang sông đều phải thực hiện như nhau, nghĩa là tất cả phải tạm dừng hoạt động, trừ trường hợp người đi công vụ, người dân đi mua nhu yếu phẩm, thuốc men và chở người đi cấp cứu. Dân thường, công nhân vẫn chưa được xét là trường hợp đặc biệt để qua sông bằng đò. “Họ muốn đi qua bến bờ bên kia, đối diện hoặc qua TP Cần Thơ thì cứ đi vòng lên cầu Cần Thơ” - ông Dũng nói.

Khoảng 800 công nhân bị ảnh hưởng

Ông Lư Thành Đồng, Trưởng Ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TP, cho biết theo thống kê có khoảng 800 công nhân, chủ yếu làm việc tại KCN Trà Nóc 1 và 2 đi lại bằng đò, bến mỗi ngày. Nay bị ảnh hưởng nặng bởi quy định tạm dừng bến khách ngang sông.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhấn mạnh Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khuyến cáo người dân hạn chế (không cấm) di chuyển, đặc biệt từ địa phương này sang địa phương khác nhưng đối với các bến đò ngang di chuyển giữa các khu vực thuộc nội bộ TP thì Sở GTVT phải xem lại. “Tôi đề nghị giám đốc Sở GTVT làm việc trực tiếp với Ban quản lý KCX-KCN TP, các quận/huyện, kể cả trên quận Thốt Nốt, khu vực cồn Tân Lộc, liên quan đến người dân, người lao động của các KCN để giải quyết sớm” - ông Mạnh nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm