Cần loại cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp

Báo cáo tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) lần thứ ba diễn ra ngày 23-12, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khái quát rằng DN Việt Nam hiện có ba điểm sáng. Đó là những điểm sáng về tinh thần khởi nghiệp, chuyển dịch cơ cấu và quy mô, mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo

Cần có giải pháp để phát triển bền vững

Theo Bộ trưởng Dũng, bên cạnh những điểm sáng thì vẫn còn những điểm yếu gần như cố hữu trong khu vực DN. Ông đã đề cập đến năm giải pháp, trong đó đáng chú ý là chính sách tập trung phát triển DN, hình thành lực lượng DN có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông cho rằng các DN lớn cần có một cơ chế để liên kết nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế…

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng phát triển bền vững, kinh doanh liêm chính và có trách nhiệm là lẽ sống của DN trong thời hiện đại. Ông Lộc đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Kinh tế tuần hoàn và có chính sách ưu đãi, khuyến khích các sáng kiến và giải pháp đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Ông Lộc cũng đề cập đến 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu và cho rằng giải quyết những chồng chéo, xung đột pháp luật ấy rất chậm trễ. “Nếu tháo được các điểm chồng chéo, xung đột ấy thì tăng trưởng GDP có thể lên tới 9%-10%/năm” - ông Lộc nói.

Ý kiến tại hội nghị, đại diện các DN đã đưa ra những kiến nghị về thuế, về thủ tục hành chính, về sự công tâm của các cơ quan công quyền, về không hình sự hóa các quan hệ kinh tế…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị ngày 23-12. Ảnh: VGP

Chuyên viên nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc Thủ tướng và Chính phủ luôn quan tâm tới cộng đồng DN.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu liên tiếp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn để tạo sự phát triển bình đẳng, công khai, minh bạch.

Hiện chỉ có bảy trong nhóm 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD nhưng chưa có DN nào lọt vào nhóm 500 DN lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 

Thủ tướng cho rằng DN muốn phát triển được thì người dân phải có thu nhập để tiêu thụ hàng hóa, nếu tập trung vào một số người thì không thể phát triển được.

Thủ tướng cũng đồng tình với bộ trưởng Bộ KH&ĐT về việc cần nâng quy mô và năng lực cạnh tranh của DN. Theo Thủ tướng, để thực hiện những mục tiêu phát triển DN thì vấn đề lớn nhất là phải thay đổi tư duy, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, độ dễ dàng khi nộp thuế, tiếp cận đất đai, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ…

“Tôi ngồi đây, nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên cũng nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài”, Thủ tướng nói và đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải quan tâm, kiểm soát vấn đề này. “Chấm dứt ngay tình trạng nhân viên công quyền dùng quyền lực mềm hù dọa DN khi họ có sai sót. Điều này không chấp nhận được” - Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, phải đảm bảo tất cả ý kiến của DN được lắng nghe, tôn trọng, còn tiếp thu hay không phải thảo luận, phân tích. Các cơ quan quản lý nhà nước phải loại bỏ cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó cho sản xuất, kinh doanh do tham nhũng, tiêu cực, trình độ kém, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của DN.

Với cộng đồng DN, Thủ tướng mong DN nâng cao tinh thần đoàn kết, chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, hỗ trợ nhau khi khó khăn, cùng nhau vươn ra biển lớn.

“Cộng đồng DN phải chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc, đổi mới liên tục, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ. Luôn nghĩ tới chìa khóa công nghệ trong phát triển sản xuất, tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA” - Thủ tướng cho hay.

Sẽ có nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ soạn thảo nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tháo gỡ các bất cập, tồn tại. Các thành viên Chính phủ sẽ cùng đóng góp ý kiến, làm tiền đề để các địa phương thực hiện, giúp DN yên tâm phát triển. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm