Cần kích bình ô tô, gọi ngay anh Đạt CSGT

Những ngày nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5, dù phải trực tác chiến để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông nhưng hễ rảnh một chút thì Đại úy Đỗ Tấn Đạt, Đội CSGT Bàn Cờ (PC08, Công an TP.HCM), lại tức tốc đi “cứu bình”.

Anh CSGT “nhiều chuyện

Khoảng 5 giờ sáng một ngày nghỉ lễ, Đại úy Đạt hoàn thành ca trực và về đơn vị. Tới vòng xoay hồ Con Rùa (quận 1), thoáng thấy một tài xế đang loay hoay bên hông ô tô vừa đẩy chiếc xe vừa chỉnh vô lăng, anh chạy tới hỏi: “Xe anh bị gì vậy?” và được trả lời do mở đèn, ngủ quên nên xe hết điện.

Chạm đúng “sở trường”, Đại úy Đạt nói tài xế dừng việc hì hụi đẩy xe, mở nắp capô lên để anh kích bình cho xe nổ máy… Không biết người trong sắc phục CSGT nhưng tay không ấy lấy gì để kích bình nhưng tài xế vẫn tin tưởng và làm theo.

Cảnh sát ấy lôi ra bộ đồ nghề từ trong thùng chiếc mô tô đặc chủng rồi thao tác, ít phút sau thì máy ô tô nổ rền. Tài xế vui mừng cám ơn và tiếp tục cuộc hành trình của mình, còn “cứu tinh” thì về đơn vị nghỉ ngơi.

Hỏi chàng đại úy cơ duyên nào đến với công việc tưởng như “vác tù và hàng tổng” này, anh cho biết hai năm trước từng tự tìm mua một cục kích bình ắcquy để dùng cho ô tô của mình. Khi về xài “ngon” quá nên có lần thấy một ô tô bị “chết” bình không nổ máy được đang đậu trên đường, anh “nổi hứng nhiều chuyện” lần đến hỏi thăm rồi kích thử, ai dè ngon lành.

Thế là từ đó anh khoái đi kích bình. Cứ kích được ca nào thì anh cho số điện thoại để cánh tài xế chuyền tai nhau. Ai hỏi anh tên gì thì anh tự vỗ ngực bảo: “Cứ gọi tớ là Đạt kích bình”.

Đại úy Đỗ Tấn Đạt (giữa) hỗ trợ kích bình cho xe của chú tài xế (bìa phải) trên đường Huyền Trân Công Chúa, quận 1 vào một trưa nắng. Ảnh: LÊ THOA

Mặc đồ CSGT đến “cứu hộ”, tài xế hốt hoảng “xin xỏ”

Ngoại trừ lúc đang thực hiện công vụ phải mặc sắc phục CSGT thì ngày thường, nhiều khi đang ở nhà, cứ có điện thoại thì anh xỏ vội chiếc quần ngắn với áo thun, mang đôi dép tổ ong, nhảy lên chiếc xe Cub cũ rồi chạy vội đi. Anh bảo quần sọt, áo thun là trang phục ưa thích của anh mỗi khi “giải cứu ô tô” vì “lúc đó thời giờ đâu mà quần này áo nọ”.

Theo chân Đại úy Đạt đi kích bình ở một số nơi, nếu anh không nói nghề thì chẳng ai nghĩ anh là cảnh sát. Khi gặp cánh tài xế, anh nói chuyện giản dị, dân dã.

Một lần, khi đang trực cao điểm thì có số điện thoại gọi đến hỏi: “Anh phải đi kích bình không? Anh đến đây giúp tôi được không? Hình như xe tôi hết bình…”. Nghe giọng từ đầu dây bên kia là một chú lớn tuổi, anh Đạt nói: “Dạ đúng rồi. Chú ở đâu? Cháu tới ngay”, rồi anh Đạt xin ý kiến chỉ huy để chạy xe đến hỗ trợ người dân.

Tới nơi, ô tô đang đậu dưới lòng đường, tài xế lớn tuổi đang loay hoay thì chợt thấy một CSGT chạy mô tô đến. Quýnh quáng, chú lật đật lại thanh minh: “Chú đừng bắt xe tôi. Không phải tôi đậu xe dưới lòng đường đâu, tại xe tôi đột ngột hết bình thôi à…”.

Lúc này Đại úy Đạt mới cười khì, bảo: “Không phải đâu chú, chú gọi con kích bình phải không? Con đi kích bình mà, chứ đâu phải bắt xe đâu”. Lúc đó, chú tài xế mới tròn mắt ngạc nhiên rồi thở phào nhẹ nhõm. “Ca xe câm” này, Đại úy Đạt xử lý rất “đạt”.

“Ban đầu khi tiếp xúc với cánh tài xế, nhiều người khó gần khi biết mình là CSGT. Sau này còn có người nói thẳng rằng “hồi xưa tui không ưa CSGT” nhưng khi tiếp xúc với mình thì họ bảo họ thay đổi suy nghĩ ấy rồi… Mình cũng chỉ muốn kéo gần khoảng cách giữa CSGT và tài xế, giữa người xử phạt vi phạm và người tham gia giao thông thôi. Thật sự, CSGT với tài xế như bằng hữu vậy” - Đại úy Đạt trải lòng.

Từ ngày có công việc làm thêm không thu tiền này, anh Đạt có thêm nhiều niềm vui hơn sau những giờ công tác áp lực. Anh bảo niềm vui mỗi lần giúp được tài xế đều rất khó tả, dù có người nói anh “rỗi hơi”. Theo anh, niềm vui ấy trước hết đã gặp được người này người kia, mỗi người một cá tính, một hoàn cảnh, một câu chuyện. Có tài xế ở dưới quê lên TP rất bỡ ngỡ không may bị hết bình, có tài xế vội đi chở hàng, chở khách… được anh Đạt ra tay giúp nên rất cảm kích.

Sau này, nhiều lần kích được ca nào khó hay mới mua được cục kích “xịn” thì Đại úy Đỗ Tấn Đạt đều nhắn khoe với chúng tôi. Anh bảo việc hỗ trợ tài xế chính là niềm vui của một CSGT, chứ không phải là xử phạt.

Lan tỏa tinh thần nghĩa hiệp

Dần dà, thấy công việc giúp người của anh ý nghĩa, một nhóm tài xế thành lập nên một hội “trùm kích bình” và đến nay đã gần 200 thành viên. Họ tự trang bị “đồ nghề” để cấp cứu cho các ô tô hết điện khác. Nhóm này “phủ sóng” nhiều khu vực như ở TP.HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, một số tỉnh miền Trung và miền Tây… Dĩ nhiên việc “kích” sẽ không tính phí vì đây là công việc nghĩa hiệp.

Còn anh Đạt giờ đã được nhiều tài xế biết đến. Sáng sớm, trưa nắng, tối muộn hay giữa trời mưa, miễn không ảnh hưởng đến công việc thì anh đều chạy ù đi, tích tắc thì chạy về lo công tác. Ban đầu nhiều người không biết đòi trả tiền cho anh, sau này khi nhiều người biết ý, gửi tặng anh chai nước và lời cám ơn. Như vậy, anh CSGT lại có thêm một người bạn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm