Cần khen thưởng 2 lão nông chống tham nhũng

Ngày 8-5, lãnh đạo Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết đã nhận được văn bản của Bộ LĐ-TB&XH về trường hợp hai lão nông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn (cùng 80 tuổi, ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã có thành tích giúp cơ quan chức năng phát hiện 2.745 hồ sơ giả mạo, khai man để hưởng chế độ người có công (Pháp Luật TP.HCM ngày 8-5 đã thông tin).

Vẫn đang xem xét

Vị lãnh đạo Cục Chống tham nhũng cho biết hiện đơn vị đang nghiên cứu tài liệu, tích cực xác minh, tìm hiểu để trả lời Bộ LĐ-TB&XH và xem xét khen thưởng cho hai trường hợp này. Theo vị này, cần xác định trường hợp của ông Lãng và ông Uẩn có thuộc tố cáo tham nhũng hay không, từ đó mới có cơ sở để khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng (theo Thông tư liên tịch 01/2015 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ - PV).

“Điều kiện tiên quyết để khen thưởng tố cáo tham nhũng là hành vi đó phải giúp Nhà nước phát hiện yếu tố tham nhũng. Nếu vụ việc này xác định các đối tượng tham nhũng bị phát hiện và xử lý (quan chức có hành vi tham nhũng, ví dụ như lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng) thì sẽ có cơ sở để xem xét việc khen thưởng thành tích tố cáo tham nhũng; ngược lại, nếu không phải tố cáo tham nhũng thì hai ông vẫn có thể được khen thưởng nhưng là khen thưởng đối với việc tố cáo thông thường” - vị lãnh đạo Cục Chống tham nhũng nói.

Trong khi đó, như đã đưa tin, sau khi ông Lãng và ông Uẩn có đơn tố cáo về nhiều trường hợp “chạy” hồ sơ giả mạo để hưởng chế độ thương binh, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố hàng chục đối tượng là “cò” về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng lúc, Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 1 (Bộ Tư lệnh Quân khu 1) đã khởi tố vụ án làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức, giả mạo trong công tác, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc tạo dựng, xem xét thẩm định hồ sơ giám định thương tật để ra quyết định công nhận là thương binh.

Theo kết quả điều tra, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp là 2.745 người, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm 20 tỉ đồng.

Đặc biệt, một nguồn tin cho biết liên quan đến vụ án trên đã có 74 sĩ quan phải ra tòa, trong đó 70 người được hưởng án treo và bốn người bị tù giam. “Như vậy hoàn toàn có thể công nhận cho hai ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn về thành tích chống tham nhũng...” - nguồn tin nhận định.

Chiếc xe đạp hằng ngày ông Uẩn và ông Lãng cùng nhau đi thu thập hồ sơ, viết đơn tố cáo (ảnh trên). Ông Nguyễn Tiến Lãng thường xuyên nghiên cứu sách luật để không đi sai đường lối, chủ trương của Đảng. Ảnh: VIẾT LONG

Chúng tôi đã 80 tuổi rồi…

Ngày 8-5, ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn cho biết rất cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM và Bộ LĐ-TB&XH đã ủng hộ việc khen thưởng hai ông. “Sau khi nhận được kết luận về sự việc có nhiều cá nhân, tổ chức sai phạm được phanh phui từ tố cáo của chúng tôi, hai năm nay chúng tôi cũng đã đến phòng tiếp dân của Bộ LĐ-TB&XH để mong được khen thưởng theo công văn của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được tin tức gì. Hiện nay, hai chúng tôi đã 80 tuổi, chỉ mong sớm nhận được niềm vui từ các bộ, ngành...” - ông Lãng nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết đơn vị đang chờ Cục Chống tham nhũng trả lời. Quan điểm của Thanh tra Bộ là ủng hộ việc xem xét khen thưởng cho hai ông về thành tích tố cáo tham nhũng (với hình thức khen thưởng là bằng khen của bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - PV).

Thanh tra Bộ cũng cho hay thời gian xét khen thưởng kéo dài là do Bộ LĐ-TB&XH đã hai lần có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến hiệp y về tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương của hai ông nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.

Người tố cáo tham nhũng được thưởng tiền

Theo Thông tư liên tịch số 01/2015 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ (có hiệu lực ngày 1-5-2015), cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng; cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xử lý hành vi tham nhũng bị tố cáo, thu hồi tài sản tham nhũng sẽ được khen thưởng.

Hình thức khen thưởng có thể là: Huân chương Dũng cảm; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

Ngoài mức thưởng theo quy định chung của Luật Thi đua khen thưởng, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng lên tới hàng tỉ đồng.

Cụ thể: Huân chương Dũng cảm thưởng 60 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 1.210.000 đồng); bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 40 lần mức lương cơ sở; bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương: 20 lần mức lương cơ sở.

Trong trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định nêu trên nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở.

Bằng khen của Thủ tướng mới xứng đáng

Sau khi đăng bài “2 lão nông “khui” gần 3.000 hồ sơ thương binh giả”, nhiều bạn đọc cho rằng việc khen thưởng đối với ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn là xứng đáng.

“Sau khi hai ông tố cáo tham nhũng, Nhà nước thu hồi được 150 tỉ đồng, mỗi năm không mất thêm 20 tỉ đồng. Nếu không nhờ hai ông, Nhà nước bị thiệt hại vài trăm tỉ đồng; hay nói cách khác, hai ông làm lợi cho Nhà nước số tiền này. Đề nghị quý báo chuyển thông tin đến cơ quan có liên quan để thưởng hai ông bằng tiền, vừa động viên phong trào chống tham nhũng, vừa bù đắp lại công sức của hai ông” - một bạn đọc tên Tâm bình luận.

Có bạn đọc còn cho rằng: “Bằng khen của bộ trưởng cũng chưa xứng đáng. Phải là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ! Và nếu không phiền, xin Tổng Bí thư viết cho các cụ lá thư thì hay quá, đồng thời nên có phần thưởng bằng tiền mặt để các cụ an dưỡng nữa chứ...”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm