Cần để các cơ quan báo chí bình đẳng với nhau

PGS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển, cho rằng: Hiện đang có nhiều báo, tạp chí được bao cấp quá lớn, hoạt động không theo quy luật thị trường, được bao cấp cả đầu vào, đầu ra, không cần làm thị trường mà vẫn tồn tại. Điều này là không sòng phẳng trong hoạt động báo chí giữa các cơ quan báo chí với nhau và vai trò thị trường hoàn toàn mờ nhạt.

Ông San cho rằng cần phải để thị trường điều chỉnh các tờ báo để các cơ quan báo chí cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước chỉ cần tài trợ, hợp tác với các báo trong những chương trình truyền thông mà Nhà nước cần tuyên truyền về chính sách, pháp luật.

Đồng tình, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay hiện cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí và rất nhiều cơ quan truyền hình. Dự thảo không có quy định sắp xếp các cơ quan này mà còn “đẻ” thêm khi quy định về quỹ hỗ trợ báo chí. “Nếu như thế thì ngân sách nhà nước sẽ thêm một gánh nặng” - GS Thuyết nhận định.

Tổng Biên tập báo Đất Việt Vũ Hữu Nghị cũng nhận định nhiều tờ báo đang được bao cấp quá lớn nên cần phải có biện pháp để các cơ quan báo chí bình đẳng với nhau. “Hiện có rất nhiều tờ báo được bao cấp nhưng việc độc giả có đọc hay không lại là một vấn đề khác. Vậy hiệu quả tuyên truyền có đạt được hay không?” - ông Nghị băn khoăn.

Theo ông Nghị, có nhiều công cụ để quản lý và phát triển báo chí, không nhất thiết chỉ là bao cấp. Thực tế cho thấy các hoạt động chính trị của lãnh đạo đất nước, các chủ trương, chính sách được độc giả đọc rất nhiều. Những vấn đề này là thông tin, là nhu cầu của bạn đọc nên không cần phải “tuyên truyền” thì báo chí cũng sẵn sàng đưa tin.

Từ đó, ông Nghị đồng tình với ông San về việc Nhà nước nên có những cuộc “đấu thầu” về truyền thông cho chính sách mà Nhà nước cần.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm