Cần có luật cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội (QH) này, Ủy ban Kinh tế đã họp thẩm tra báo cáo bổ sung của Chính phủ (CP) về kinh tế-xã hội 2014 và những tháng đầu năm 2015, trong đó đề nghị QH ban hành luật hoặc nghị quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), coi đó như một giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế một cách hiệu quả. Pháp Luật
TP.HCM
đã trao đổi với TS Nguyễn Văn Phúc (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, về đề xuất này.

Không để tài sản của nhân dân vào túi tư nhân

. Phóng viên: Thưa ông, đề xuất này xuất phát từ đâu?

+ TS Nguyễn Văn Phúc: Diễn đàn kinh tế mùa xuân vừa rồi, nhiều chuyên gia bình luận về tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, có giải pháp cổ phần hóa DNNN. Các chuyên gia cũng bình luận về cả chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục, chủ trương hợp tác công-tư, nhượng quyền khai thác sân bay, bến cảng, công trình giao thông... Trong số này, nhiều ý kiến đề nghị QH phải ban hành luật và QH cần tăng cường giám sát. Ủy ban Kinh tế thảo luận, thấy hợp lý nên có đề nghị chính thức trong báo cáo thẩm tra.

. Như cổ phần hóa chẳng hạn, lâu nay chủ yếu được quy định bằng các nghị định. Vậy tại sao phải ra luật?

+ Ở các nước có nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi như Việt Nam, ngay khi lên chương trình tư nhân hóa là họ đã phải có luật rồi. Không chỉ một mà có khi nhiều luật. Bởi DNNN, sân bay, bến cảng và kể cả các dịch vụ giáo dục, y tế thì đều là tài sản của nhân dân, phục vụ, đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân, của xã hội, là kết cấu hạ tầng quan trọng của nền kinh tế.

Ở ta, thông thường những vấn đề mới, chủ trương lớn như thế thì thường bắt đầu thí điểm ở phạm vi nhỏ, lựa chọn đối tượng nhất định. Theo cách ấy, thường phân công CP trực tiếp ban hành khuôn khổ pháp lý và trực tiếp chỉ đạo, điều hành triển khai.

Thực tiễn triển khai cổ phần hóa vừa qua đã xuất hiện nhiều vướng mắc, tranh cãi. Chẳng hạn bán tài sản, vốn DNNN dưới giá được không, trong điều kiện nào thì được? Có xung đột với nguyên tắc bảo toàn vốn không? Tiền thu về từ cổ phần hóa có đưa vào quản lý trong ngân sách để QH quyết định phân bổ không, hay vẫn để như hiện nay là toàn quyền CP quyết. Chưa kể, có chuyên gia cho rằng trong các văn bản mà CP đã ban hành, có những quy định không phù hợp với các luật khác... Giải quyết những cái đấy phải có cơ chế do QH đặt ra.

Vinamilk là đơn vị phát triển mạnh sau cổ phần hóa. Ảnh: Văn Hoàng

Kiểm soát để không quá sức chịu đựng của dân

. Vừa rồi dư luận rộ lên những tranh luận về nhượng quyền khai thác sân bay, cảng biển, với lo ngại lợi ích của người dân có thể bị đặt bên lề. Điều này cần hiểu thế nào?

+ Có những hiểu lầm là bán sân bay, bán bến cảng. Thực chất đây chỉ là nhượng quyền khai thác công trình. Giống như bạn có nhà, cho thuê thì quyền sở hữu vẫn của bạn nhưng người thuê được sử dụng, khai thác lợi ích kinh tế từ căn nhà.

Nhưng cần lưu ý là việc nhượng quyền khai thác các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không cần được tính toán thận trọng, kỹ lưỡng, có tầm nhìn chiến lược. Đặc biệt là không làm tăng gánh nặng chi phí dịch vụ quá sức chịu đựng của người dân. Ủy ban Kinh tế đặc biệt quan tâm khía cạnh này.

Vừa qua ta đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường bộ. Nhiều tuyến đường cao tốc được mở ra, nhiều quốc lộ cũ được nâng cấp. Nhiều trạm thu phí được dựng lên để thu hồi vốn và lãi cho nhà đầu tư. Nhưng làm sao kiểm soát để không thu phí vô tội vạ, để trong sức chịu đựng của người dân, của nền kinh tế đồng thời nhà đầu tư thu hồi vốn được và có lãi hợp lý để khuyến khích tham gia đầu tư hạ tầng.

. Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT cho biết việc mở trạm thu phí, mức thu ấy đều đã có sự bàn bạc, thống nhất với Bộ Tài chính rồi. Vậy thì còn cần QH phải tham gia không?

+ Ở quy mô nhỏ, thí điểm thì CP làm được. Nhưng lên quy mô lớn, phổ biến thì những văn bản của CP sẽ trở thành tấm áo chật chội, đòi hỏi phải nâng lên thành luật do QH ban hành.

Vừa rồi Ủy ban Thường vụ QH giám sát về phát triển kinh tế kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh thì có đặt vấn đề về việc nhượng quyền khai thác cảng biển, sân bay tới đây sẽ ảnh hưởng thế nào. Nhưng cảng hàng không dân dụng chẳng hạn, ở ta đều lưỡng dụng, cả nhiệm vụ dân sự - quốc phòng. Vậy nhượng quyền phần nào, kiểm soát, giám sát thế nào để vừa thu hút được đầu tư tư nhân, trong, ngoài nước mà vẫn đảm bảo được yêu cầu về an ninh, quốc phòng. Tôi nghĩ đây cũng là lý do mà QH cần có luật, để CP có cơ sở pháp lý mà giải quyết tình huống cụ thể.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm