Cần có cuộc cách mạng về giáo dục nghề nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại buổi tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ LĐ-TB&XH, diễn ra ngày 13-1.

Cũng theo ông Vũ Đức Đam, sau rất nhiều năm tranh luận, đến nay Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, đơn vị phải làm sao tạo được bước tiến lớn theo hướng rất tích cực đối với công tác này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại hội nghị của Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: VIẾT LONG

Phó Thủ tướng phân tích: trong lực lượng lao động cả nước 54 triệu người thì chỉ 53% là qua đào tạo. Trong số qua đào tạo thì chủ yếu là đào tạo nghề nông dân theo hình thức mấy tuần, và chỉ 21% là có bằng cấp, gồm 9% là đại học trở lên, 3% là cao đẳng, 9% là trung - sơ cấp. Đáng chú ý, trong số có bằng cấp này thì cao đẳng thất nghiệp nhiều nhất, rồi tới đại học; trung, sơ cấp thất nghiệp thấp nhất. Đây là thách đố rất lớn đối với toàn xã hội.

“Tỉ lệ đào tạo cao đẳng, trung cấp đã ít so với đại học mà ra trường thất nghiệp cao hơn đại học, trách nhiệm này thuộc về bộ. Trước đây còn nói trách nhiệm một nửa thuộc Bộ GD&ĐT, một nửa thuộc Bộ LĐ-TB&XH, bây giờ hoàn toàn thuộc về Bộ LĐ-TB&XH…" - ông Đam nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài không tuân thủ hợp đồng và quy định của các nước sở tại: "Tại sao người lao động làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật nhiều lại là Việt Nam. Đây không chỉ  là hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam mà dẫn đến một thị trường lao động không bền vững… Nên sắp tới đơn vị phải tiếp tục chấn chỉnh tình trạng trên”.

Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH trong năm tới cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết hồ sơ đối tượng có công, tập trung chăm lo tết cho người nghèo, người có công với cách mạng…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận những chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong đó đơn vị sẽ đặc biệt chú tâm đến vấn đề đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm