Chính quyền cải cách để gần dân hơn - Bài 2

Cán bộ ‘tăng ca’, người dân đỡ cực

Cùng với việc đưa cán bộ về tận cơ sở để giải quyết thủ tục cho dân như chúng tôi đã phản ánh ở bài viết trước, nhiều cơ quan hành chính ở TP.HCM đã bố trí cán bộ “tăng ca” nhiều khung giờ khác nhau để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân.

Không phải xin nghỉ làm để đi nộp hồ sơ nữa

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ tháng 3-2018, quận 3 đã đồng loạt thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngoài giờ cho dân ở toàn bộ 14 phường và UBND quận. Theo đó, các phường lần lượt tự đăng ký thời gian làm việc ngoài giờ, có phường đăng ký làm 2-3 ngày, có phường làm cả tuần, có phường làm buổi trưa, có phường làm buổi tối…

Có mặt tại UBND phường 8, quận 3 vào một buổi chiều muộn, chị Lê Hải Hậu hớt hải chạy vào UBND phường khi thấy đèn còn sáng. Chị Hậu đến gặp cán bộ trực ca, hỏi: “Phường mình còn làm không ạ, em muốn sao y ít giấy tờ”. Thấy cán bộ gật đầu trả lời “dạ còn”, chị mới lấy CMND ra để sao y. “Tôi có việc nên cần làm gấp. Mà mấy ngày qua hôm nào tôi cũng đi làm về trễ, còn phải đi đón con nên lúc về tới nhà thì UBND phường gần đó đã đóng cửa. May quá, tôi làm ở gần đây, thỉnh thoảng đi ngang UBND phường này thấy họ còn mở cửa, không biết thế nào. Hôm nay mới đánh liều vào hỏi xem. Hên gì đâu!” - chị Hậu cho biết.

Chị Hậu tươi cười vì hồ sơ của chị được lãnh đạo ký ngay sau đó. “Cách làm này rất hay vì thuận tiện cho dân quá. Nếu nhiều nơi làm được như vậy thì lợi cho bà con lắm. Chứ thú thật tôi ít khi lên phường vì bận đi làm triền miên. Khi có thủ tục gì cần làm đơn giản toàn phải nhờ ông bà nội” - chị Hậu nói thêm.

Còn anh Nguyễn Biểu (ngụ phường 12, quận 3) cũng đến UBND quận khi đã hơn 17 giờ 30 để nộp hồ sơ. “Từ ngày quận 3 làm ngoài giờ để phục vụ dân, tôi toàn đi đến phường, quận vào giờ chiều với giờ trưa mà không lo sợ trễ nữa. Nay tôi lên để nộp hồ sơ thôi vì tôi làm đủ thủ tục rồi. Nếu chỉ nộp hồ sơ mà phải nghỉ làm để thực hiện việc này thì cực quá. Mấy hôm trước tôi đi sao y giấy tờ cũng đi vào giờ này, lên không phải chờ đợi gì ai hết. Làm rất khỏe, rất tiện cho dân” - anh Biểu nói.

UBND quận 3 và các phường trực thuộc từ tháng 3-2018 đã “tăng ca” để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: THANH TUYỀN

Cán bộ phường Trường Thạnh (quận 9, TP.HCM) xử lý hồ sơ cho người dân ngoài giờ làm việc. Ảnh: THANH TUYỀN

Tăng ca, không nghỉ trưa để phục vụ dân

Tại phường Trường Thạnh (quận 9), hơn ba tháng nay, từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 các ngày thứ Hai, thứ Ba hằng tuần, các cán bộ ở phường Trường Thạnh vẫn tiếp tục công việc dù đó vốn là khung giờ để nghỉ ngơi sau một buổi sáng làm việc.

11 giờ 45 trưa một ngày giữa tháng 11-2018, chị Huỳnh Kim Anh ôm bộ hồ sơ, hì hục chạy vào văn phòng UBND phường này. Chị Kim Anh cho biết mình là giáo viên của một trường học tại phường Trường Thạnh, cần sao y chứng thực và hỏi về một số giấy tờ cần thiết nhưng vì lịch dạy kín mít nên không thể ghé phường vào các khung giờ khác được. “Sợ cứ kéo dài mãi nên hôm nay tan trường là tôi chạy đến phường, dù biết đã quá trưa nhưng cứ nghĩ có gì năn nỉ, nhờ mấy anh chị cán bộ chịu khó làm trái giờ một xíu để giải quyết dứt điểm hồ sơ này” - chị Kim Anh nói.

“Chị yên tâm, giờ tụi em làm thêm buổi trưa nữa nên tan giờ làm chị có thể đến để nộp hồ sơ cần giải quyết” - một cán bộ trực tăng ca nhỏ nhẹ đáp. Liền sau đó, hồ sơ của chị Kim Anh được cán bộ phường Trường Thạnh giải quyết nhanh chóng và tư vấn cho chị những giấy tờ trong thủ tục.

Chị ra về với nụ cười tươi: “Không ngờ nay họ làm cả giờ nghỉ trưa, tiện quá rồi. Để tôi về nói với những người quen để họ biết thêm, bận quá thì vẫn có thể đi vào giờ trưa như tôi”.

Ông Nguyễn Văn Phùng, Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh, chia sẻ ông biết rõ mô hình này đã được nhiều nơi thực hiện nên đã học hỏi, tham khảo và dựa vào đặc điểm dân cư ở địa bàn phường để phân bổ thời gian làm ngoài giờ được hợp lý.

Qua một thời gian ngắn vừa làm vừa tuyên truyền, người dân đã có những phản hồi tích cực với việc làm này. “Tôi cũng thường trực cùng anh em nên có hỏi thêm người dân, có anh công nhân hồ hởi bảo làm như vậy rất tiện vì anh cũng đi làm cả ngày, tới giờ tan ca thì phường đã đóng cửa nên mãi không làm xong giấy tờ. Thấy dân vậy thì mình cũng vui lây” - ông Phùng chia sẻ.

Ngoài giờ, dân gọi thì cán bộ sẽ chờ

Khác với các địa phương khác, hai tháng qua, UBND phường 4, quận Tân Bình chọn cách phục vụ dân ngoài giờ theo nhu cầu của người dân. Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường này, cho biết khi thực hiện giao dịch ngoài giờ theo khung giờ nhất định, ngày nhất định thì đó là chủ ý, ý kiến riêng của chính quyền, sẽ không tránh khỏi tình trạng nhiều hôm không có người dân đến làm việc, cán bộ ngồi không, kém hiệu quả.

“Vì vậy, phường 4 làm ngoài giờ theo nhu cầu của người dân. Khi người dân muốn làm thủ tục ngoài giờ có thể đặt lịch với phường. Cụ thể, có thể gọi vào số điện thoại cá nhân và điện thoại văn phòng làm việc của tôi để đặt lịch làm việc. Người dân có thể thoải mái nói: “Trưa nay, tối nay tôi tạt về phường làm thủ tục này, anh chị có thể đợi tôi không?” thì cán bộ phường sẵn sàng đợi để giải quyết cho người dân” - ông Sơn chia sẻ.

Theo đó, dù đầu giờ sáng, giữa giờ trưa hay cuối giờ chiều, bất kỳ thời điểm nào trong ngày, trong tuần (trừ chiều thứ Bảy và Chủ nhật), hễ người dân có yêu cầu đăng ký giao dịch ngoài giờ thì cán bộ phường sẽ tiếp.

Mong muốn của người dân

Nhất thiết phải thay đổi thái độ của cán bộ với dân

Phải nói công bằng rằng thời gian vừa rồi, cán bộ đã có những thay đổi trong cách ứng xử nhưng không phải ai cũng như ai. Có người thì nhiệt tình, cũng có người hời hợt, vẻ mặt lạnh lùng. Tôi thực sự thấy khó chịu khi mình đến hỏi mà cán bộ cứ cúi gằm mặt xuống, hỏi một cách rất lạnh lùng mấy câu đại loại như: Cần làm gì? Hồ sơ đủ chưa? Qua bên kia đi... Ôi nghe xong chỉ muốn đi về cho khỏe chứ đi làm chi mà khổ sở, khúm núm, lại còn bị đối xử theo cái kiểu đó. Chưa kể có cán bộ cứ đưa tay chỉ qua chỉ lại, ý bảo là đi qua chỗ bên kia nhưng sao tôi cứ thấy nó không được hay lắm.

 Trước khi giúp dân không mất thời gian quá lâu để làm thủ tục, tính đến chuyện chính quyền điện tử thì tôi nghĩ điều cần trước tiên là làm cho được, làm cho tới việc thay đổi thái độ của cán bộ với dân. Làm được điều đó, giải quyết được vấn đề giữa con người với con người thì mọi thứ khác sẽ làm được tất.

Ông LÂM VĂN THIÊN (Quận Thủ Đức)

Mong cán bộ thực hiện bốn “xin” như lời Thủ tướng

Tôi nhớ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng yêu cầu cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính các cấp phải luôn ghi nhớ bốn “xin”: “xin chào”, “xin hỏi”, “xin lỗi”, “xin cảm ơn”.

Mới nghe thì tưởng đơn giản nhưng yêu cầu của Thủ tướng mang hàm ý rất sâu xa. Bởi lẽ để cán bộ, công chức “xin chào” mỗi khi gặp người dân thì họ phải có lòng kính trọng dân. Khi cán bộ, công chức biết “xin hỏi” dân thì họ phải là những cán bộ tận tâm, thực sự coi mình là đầy tớ, công bộc của nhân dân. Để cán bộ, công chức dám nói lời “xin lỗi” người dân thì họ phải là những người cầu thị, biết nhận lỗi để sửa sai, phấn đấu phục vụ nhân dân tốt hơn. Còn khi cán bộ, công chức bày tỏ “xin cảm ơn” người dân đến làm việc thì chứng tỏ người cán bộ đó đã hiểu rõ rằng: Chừng nào người dân còn đến cơ quan công quyền để yêu cầu giải quyết công việc, đề nghị được giúp đỡ thì đó chính là vinh dự của họ.

Ông Nguyễn Văn Phúc  (ngụ quận 9)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm