Cán bộ, công chức phát ngôn hạn chế nói ngọng, nói lắp

Dự thảo nhằm mục đích định hướng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chuẩn mực văn hóa phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ công tác với tổ chức và cá nhân. Từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường kỷ luật phát ngôn, giữ gìn truyền thống văn hóa của người Hà Nội, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thủ đô thanh lịch, văn minh.

Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội.

Cụ thể, về quyền và trách nhiệm phát ngôn, dự thảo nêu rõ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo chức năng, nhiệm vụ có quyền và trách nhiệm phát ngôn.

Nội dung, phạm vi vấn đề phát ngôn phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Việc phát ngôn được thực hiện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính (trong trường hợp cần thiết, cấp thiết hoặc do lãnh đạo phân công). Phải chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng để đảm bảo việc phát ngôn hiệu quả. Không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.

Cùng với đó về thái độ, cử chỉ khi phát ngôn cần thân thiện, chân thành, tôn trọng, giúp đỡ nhiệt tình, cư xử lịch thiệp, thông cảm, chia sẻ. Tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, phù hợp quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Khi cần, tạm dừng các công việc khác, tập trung cao cho việc phát ngôn.

Tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết. Kết hợp giữa ngôn ngữ nói và cử chỉ thân thiện, thực hiện chào hỏi, chia sẻ, động viên, khích lệ.

Trong đó ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, đảm bảo tính chính xác, phù hợp với tính chất hoạt động công vụ.

Đảm bảo tính hàm súc, cô đọng, thuần Việt; hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và xử lý tình huống thì chú ý lắng nghe, ghi chép thông tin cần thiết do người đang giao tiếp cung cấp. Trao đổi cụ thể, rõ ràng, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền vấn đề do người đang giao tiếp đặt ra. Khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc, phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ.

Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Khéo léo từ chối các yêu cầu, đề nghị ngoài thẩm quyền, trách nhiệm và giải thích rõ để người đưa ra yêu cầu, đề nghị biết. Nếu người cùng giao tiếp có hành vi thái quá, trái pháp luật, cần biết cách kết thúc cuộc giao tiếp và đề nghị người có thẩm quyền và cơ quan chức năng can thiệp, xử lý.

Cũng theo dự thảo, người vi phạm chuẩn mực văn hóa phát ngôn tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm