'Căn bệnh mãn tính của ngành y là thái độ phục vụ đối với bệnh nhân'

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 21-6.

Bà Tiến thừa nhận ngành y tế có một bệnh mãn tính và nan y đó là thá độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân.

“Thực tế, từ trước đến nay hầu hết các cán bộ đã đi theo ngành y dược thì rất đam mê với nghề nghiệp và tận tâm, tận tụy, không ngại khó ngại khổ đối với việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế từ điều dưỡng, kỹ thuật viên cho đến các bác sĩ vẫn có thái độ thờ ơ đối với nỗi đau của bệnh nhân, thậm chí là quát tháo và có tư tưởng ban ơn, cơ chế xin cho; đặc biệt nữa là có những biểu hiện tiêu cực đối với người bệnh” – bà Tiến nói.

Nói về giải pháp để giải quyết vấn đề này, bà Tiến cho rằng cần rất nhiều giải pháp đồng bộ và phải có thời gian.

Hiện Bộ Y tế đang chuẩn bị thực hiện 1 đề án, ban hành quyết định để thực hiện chương trình hành động là đổi mới toàn diện, phong cách và thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh với các nội dung chính.

Tiếp tục duy trì đường dây nóng và thực hiện thông tư về quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ y tế không đủ phẩm chất đối với bệnh nhân.

Thứ hai là duy trì hòm thư góp ý, hòm thư nóng.

Thứ ba là qui định về trang phục đối với những chức năng khác nhau.

Thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng để giải đáp những thắc mắc của người bệnh.

Có đội tình nguyện của sinh viên, bác sĩ trẻ để giúp người bệnh trong quá trình khám bệnh được nhanh, gọn.

Toàn bộ nhân viên y tế phải ký cam kết để đổi mới toàn diện thái độ với khẩu hiệu niềm nở khi bệnh nhân đến, tận tụy khi bệnh nhân ở và chu đáo khi bệnh nhân về.

Muốn làm được như vậy thì phải có tổ chức ký cam kết của tất cả các điều dưỡng, bác sĩ với trưởng khoa; trưởng khoa ký cam kết với Giám đốc bệnh viện và Giám đốc các bệnh viện phải ký với Giám đốc Sở hoặc là ký với Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau đó có chương trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tiêu chí và chương trình về thi đua, khen thưởng và kỷ luật.

Đây là một kế hoạch mới ban hành và có thể có những khó khăn trong giai đoạn triển khai, ngành y tế luôn lắng nghe ý kiến của người dân cũng như là các phương tiện thông tin báo chí để hoàn thiện những giải pháp tốt hơn.

“Biện pháp chủ yếu nhất là chính từ bên trong người cán bộ y tế, từ trong não, trong tim, trong óc và trong máu phải đổi mới và phải coi người bệnh là trung tâm để phục vụ” – bà Tiến nhấn mạnh.

Theo bà Tiến, giải pháp trước mắt lâu dài là tạo cho cán bộ y tế có nguồn thu nhập đủ sống, đủ tái tạo sức lao động để họ yên tâm phục vụ tốt hơn. Dựa vào lộ trình đổi mới cơ chế tài chính cho phù hợp.

“Bởi họ thi vào thì rất khó, học thì rất dài và trách nhiệm rất cao vì vậy cũng có cơ chế để họ có thu nhập đủ sống và cái này cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, bệnh nhân và dư luận xã hội để ngành y tế phấn đấu sao mà coi người bệnh là động lực thúc đẩy mình làm bởi vì nếu ko có người bệnh thi bác sĩ cũng chẳng để làm gì và người bệnh quay lưng đi thì bác sĩ cũng chẳng còn việc gì để làm nữa” – bà Tiến chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm