Cấm xe giường nằm: Nhà xe đau đầu, hành khách tiếc nuối

Xe khách giường nằm Thành Bưởi tuyến TP.HCM - Đà Lạt - Ảnh: Quang Định
Xe khách giường nằm Thành Bưởi tuyến TP.HCM - Đà Lạt - Ảnh: Quang Định

Chiều 4-9, Hiệp hội Vận tải ôtô VN (VATA) đã họp đột xuất với các hiệp hội vận tải ôtô ở các tỉnh miền núi phía Bắc sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng không cho xe giường nằm chạy đường đèo dốc quanh co. 

Trong khi đó, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) có xe giường nằm hoạt động ở các tỉnh miền núi lo ngại không biết chủ trương sẽ thực hiện thế nào.

Cấm là phá sản

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Long - giám đốc Công ty cổ phần du lịch Xuân Long (Điện Biên), DN khai thác hai xe giường nằm cao cấp trị giá 6,2 tỉ đồng/chiếc chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên từ tháng 12-2013 - bày tỏ sự lo lắng nếu bị cấm hoạt động trên địa bàn đèo núi.

Ông Long cho biết ngoài điều kiện đường sá thì lái xe ở miền núi cần phải tuyển người am hiểu cung đường, quen chạy miền núi để điều khiển xe giường nằm.

Các lái xe hợp đồng, đưa khách du lịch lên miền núi không quen chạy đường miền núi dễ bị tai nạn hơn lái xe chạy thường xuyên những tuyến đường này.

“Thấy thống kê tai nạn xe giường nằm chủ yếu xảy ra ở quốc lộ 1, còn cung đường Điện Biên xuống Hà Nội giờ thoáng, rộng hơn, xe chúng tôi chạy đúng tốc độ quy định đi hết 10 tiếng, đảm bảo hành khách ngủ trọn giấc trên xe khi chạy vào buổi đêm. Từ khi hoạt động, xe chúng tôi chưa gặp trở ngại gì. Chúng tôi mới đầu tư giá trị lớn, giờ mà bị cấm thì chắc chắn là phá sản”.

Ông Long kiến nghị Bộ GTVT cần có những quy định về đoạn tuyến, điều kiện hoạt động của xe giường nằm phù hợp với những đoạn tuyến đó chứ không nên cấm.

Bởi vì người dân vẫn thích đi xe giường nằm vì đỡ mệt mỏi hơn trên những hành trình dài. Xe giường nằm hay chạy ban đêm cũng là để hành khách tiết kiệm thời gian và buổi đêm đường vắng, chạy xe cũng an toàn hơn.

Tuy nhiên, khác với ông Long, nhiều chủ DN có xe giường nằm khác dù lo lắng nhưng cũng khá dè dặt. Họ cho biết sẽ xem xét quy định cụ thể của Bộ GTVT rồi mới có kiến nghị chính thức.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch VATA, cho biết hiện đang có những ý kiến khác nhau về loại phương tiện phát triển rất mạnh này.

Người dân chấp nhận và hưởng ứng dịch vụ xe giường nằm vì đi lại thoải mái hơn trong những hành trình dài.

Bên cạnh đó, Nhà nước đổ nhiều tiền làm đường tốt lên, DN đầu tư xe mới, hiện đại thì không nên e ngại với xe giường nằm.

“Quan trọng là kiểm soát hoạt động của DN và tay nghề người lái. Đường núi đúng là nguy hiểm nhưng phải siết chặt những tuyến đường nguy hiểm, như từ trung tâm tỉnh đến huyện mà nhỏ hẹp, kém chất lượng thì phải siết. Xe giường nằm chỉ cho phép chạy trên các quốc lộ chính đảm bảo an toàn" - Ông Thanh nói. 

Ông Thanh cho rằng nếu cấm đồng loạt thì cần phải tính toán để không xáo trộn. Hiệp hội vận tải Sơn La và Điện Biên cho biết xe giường nằm chiếm 70% thị phần hành khách ở các tỉnh này.

"Người dân có nhu cầu cho nên Bộ GTVT cần rà soát cung đường nào phù hợp thì cho chạy, đoạn nào nguy hiểm thì cần cảnh báo, hạn chế tốc độ xe giường nằm qua đó. Nhưng quan trọng vẫn là con người, phải siết chặt tiêu chuẩn đội ngũ lái xe giường nằm và cả xe ghế ngồi. Tài xế lái ẩu thì xe nào cũng gây tai nạn thảm khốc." - Ông Thanh đề nghị. 

Không thể chỗ cấm, nơi cho

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vịnh, bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, khẳng định ủng hộ quan điểm cấm xe khách giường nằm chạy trên đường đèo dốc quanh co.

Ông Vịnh cho rằng xe khách giường nằm thường có chiều cao hơn xe khách bình thường, do đó đi trên đường đèo dốc quanh co rất nguy hiểm.

Về vấn đề hiện nay Lào Cai đang có một số xe khách giường nằm được cấp phép chở khách lên Sa Pa sẽ xử lý như thế nào, ông Vịnh cho rằng khi có quyết định cấm thì các nhà xe sẽ phải sử dụng các phương tiện vận chuyển hành khách khác như xe ghế ngồi loại nhỏ, đảm bảo an toàn để trung chuyển khách giữa Sa Pa - TP Lào Cai.

Ông Nguyễn Văn Thạo, phó giám đốc Sở GTVT Lào Cai, cho biết các quy định hiện hành cho thấy xe giường nằm vẫn được cấp phép cho chạy trên tuyến đường đèo dốc.

Quan điểm của ông Thạo cho rằng xe giường nằm chạy trên đèo dốc có độ nguy hiểm cao, do đó cấm là cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách cũng như phương tiện.

Tuy nhiên, ông Thạo cũng đặt vấn đề “nếu cấm phải thực hiện trên toàn quốc, đừng cấm riêng ở một tỉnh nào, vì nếu làm không đồng bộ để tỉnh này cấm, tỉnh kia không cấm thành ra lại mang tiếng gây khó dễ”.

Tiếc nuối

Trên thực tế, xe giường nằm đã có mặt ở nhiều tuyến đường trên cả nước với hàng chục, hàng trăm nhà xe hoạt động.

Sáng 4-9, trong vai du khách tìm kiếm xe giường nằm về Hà Nội, chúng tôi đã đến một số đại lý bán vé xe đường dài tại thị trấn du lịch Sa Pa để đặt vé.

Tại một đại lý trên đường Thạch Sơn, chủ đại lý cho biết đã không còn bán vé xe khách của Sao Việt vì hãng này bị đình chỉ sau vụ tai nạn.

Chị Vấn, người bán vé của đại lý, nói: “Ở đây chúng tôi bán vé cho nhiều hãng như Hưng Thành, Hải Vân, Sao Việt... Tuy nhiên từ khi xảy ra tai nạn, Hãng Sao Việt đã ngừng chạy”.

Trong khi đó, tại văn phòng của một số hãng xe khác, khi liên hệ mua vé, các nhà xe có xe giường nằm từ chối bán vé mà cho biết chỉ nhận khách ký hợp đồng vận chuyển khiến không ít hành khách bỡ ngỡ, tiếc nối. Những nhà xe này khẳng định không bán vé lẻ cho khách.

Theo một người dân địa phương, những ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn, các nhà xe này đều nhận khách lẻ nhưng đến nay đều không bán vé.

Nguyên nhân chính có thể do nhà xe không có giấy phép tuyến cố định nên đối phó bằng cách không tiếp tục bán vé lẻ cho hành khách.

Anh Nguyễn Văn Hòa (Hà Nội), hành khách thường đi tuyến Hà Nội - Sơn La bằng xe giường nằm bày tỏ sự tiếc nuối nếu tới đây không còn được đi bằng loại xe này.

Anh Hòa cho biết có ba lý do thích đi xe giường nằm. Thứ nhất là đường đi đồi dốc quanh co dễ bị say xe, có giường để nằm nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe.Thứ hai, xe giường nằm có không gian riêng, không chung đụng trong suốt chặng hành trình dài. Cuối cùng là đi xe giường nằm có thể tranh thủ đi đêm, ngủ đủ giấc để khi đến nơi có thể làm việc ngay.

Thiểm Tây (Trung Quốc) cấm xe giường nằm chạy ban đêm

Từ tháng 8-2012, chính quyền tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc đã ra lệnh cấm các chuyến xe đường xa chạy ban đêm sau một vụ tai nạn xe giường nằm thảm khốc làm 36 người thiệt mạng. Tờ Nhân Dân Nhật Báo đưa tin lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các chính quyền địa phương cấm các chuyến xe đường xa kể từ 14g. Những chiếc xe giường nằm hai tầng được thiết kế cho phép hành khách nằm ngủ khi di chuyển nhưng cũng nguy hiểm chết người vì thiết kế này không có nhiều khoảng không để hành khách thoát ra ngoài khi xảy ra tai nạn.

Sau vụ tai nạn, Bộ Vận tải Trung Quốc cũng cấm lưu thông các xe buýt không vượt qua được các kiểm tra về an toàn và yêu cầu các tài xế phải được nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài ra, quy định cũng được siết chặt hơn đối với các tài xế, như bị tước bằng lái nếu chạy quá 50% giới hạn tốc độ cho phép.

TRẦN PHƯƠNG

* Đại diện Công ty cổ phần thương mại vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang:

Ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp

Hiện nay tất cả các tuyến vận tải hành khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc đều phải qua đèo Cả, đèo Cổ Mả. Tương tự, các tuyến từ TP.HCM đi Lâm Đồng đều qua đèo Prenn, đèo Chuối... Do đó nếu thực hiện cấm loại xe giường nằm đi qua đèo, núi thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp vì sẽ không biết đưa xe giường nằm đi hoạt động ở đâu.

Trong khi đó, nhu cầu hành khách đi xe giường nằm rất lớn nên hầu hết doanh nghiệp đều đã chuyển đổi từ xe ghế ngồi sang xe giường nằm, nhất là các tuyến từ trên 300km. Nhiều hành khách thích đi xe giường nằm nhất là vào ban đêm vì đến sáng là đến nơi. Vấn đề chính là Tổng cục Đường bộ VN cần có khảo sát kỹ những tuyến đường đèo dốc, nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Bởi vì nếu đường không bảo đảm an toàn thì không những xe giường nằm mà kể cả xe ghế ngồi không đảm bảo an toàn cũng nên cấm.

* Ông Nguyễn Văn Khải(phó chủ nhiệm Hợp tác xã xe khách Trung Nam, TP.HCM):

Không nên đặt ra quy định riêng ở VN

Loại xe giường nằm đã được các cơ quan chức năng quốc tế xác định thiết kế đảm bảo độ an toàn cho xe chạy trên đường bằng và đường đèo dốc. Do đó, tôi rất ngạc nhiên khi Bộ GTVT có ý kiến đưa ra quy định riêng ở VN cấm loại xe giường nằm hoạt động trên đường đèo dốc. Nếu thực hiện ý định này thì sẽ cấm rất nhiều tuyến đường từ TP.HCM ra Hà Nội vì phải qua nhiều đèo dốc. Điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp vì mỗi xe giường nằm được đầu tư vài tỉ đồng/xe và doanh nghiệp sẽ đưa xe này chạy ở đâu.

Việc xảy ra tai nạn ở Lào Cai cần được xem xét ở nhiều góc độ: lái xe đã xử lý ra sao, xem lại đoạn đường đó có khiếm khuyết gì cần được sửa chữa, mở rộng ra sao. Nếu các cơ quan chức năng thấy đoạn đường đó không an toàn thì chỉ nên cấm ở đoạn đường đó, thay vì cấm tất cả các loại xe chạy qua đèo dốc.

N.ẨN

Theo T.PHÙNG - M.QUANG - X.LONG - K.HƯNG (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm