Cấm trừng phạt tàn bạo người bị tạm giam, giữ

Chiều 25-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đáng chú ý, luật dành riêng một điều quy định về bảy nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam…

Vẫn có quyền bầu cử

Theo luật vừa được thông qua, người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND cũng như được quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện giải thích thêm, theo quy định tại Điều 29, 30 của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ. Đối với người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Liên quan đến chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, có ý kiến đại biểu QH đề nghị bổ sung chế độ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người khuyết tật nặng, người già trên 75 tuổi; bổ sung số lần nhận quà tăng gấp hai lần đối với phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người chưa thành niên. Tuy nhiên, ý kiến này không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) chấp nhận.

Ủy ban TVQH cho rằng việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải vừa phúc đáp yêu cầu tình cảm, thăm hỏi và động viên tinh thần họ nhưng vừa phải phục vụ tốt cho công tác điều tra khám phá tội phạm. Dự thảo luật đã quy định thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng này, chẳng hạn người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên được tăng thêm định lượng ăn về thịt, cá...; nếu là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe...

Riêng đối với người khuyết tật nặng, người già trên 75 tuổi bị tạm giữ, tạm giam, theo quy định họ vẫn có khả năng nhận thức, năng lực hành vi dân sự đầy đủ nên không có căn cứ để quy định họ hưởng chế độ cao hơn so với những người bị tạm giữ, tạm giam khác.

Phạm nhân làm vệ sinh tại Trại tạm giam Chí Hòa, TP.HCM. Ảnh: HTD

Giữ biện pháp kỷ luật “cùm một chân”

Có ý kiến đại biểu QH đề nghị cân nhắc lại biện pháp kỷ luật “cùm một chân” tại khoản 3 Điều 23 dự thảo luật vì biện pháp này quá khắc nghiệt đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Theo Ủy ban TVQH, trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật, sau khi đã được cách ly mà vẫn có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, có biểu hiện tự sát, gây thương tích cho bản thân hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì việc cùm một chân để ngăn ngừa là cần thiết, vừa bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe của họ hoặc người khác, vừa đảm bảo an toàn kỷ cương, sự tuân thủ pháp luật của cơ sở giam giữ.

“Quy định này là phù hợp và không trái với Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên” - Ủy ban TVQH kết luận và đề nghị giữ quy định như dự thảo luật.

Luật cũng quy định người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.

Luật sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 1-7-2016.

Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân

Chiều 25-11, QH cũng đã biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu ý dân, có hiệu lực từ 1-7-2016.

Theo luật này, QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước và vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Việc trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị cần giải thích, quy định rõ thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng”. Tuy nhiên, Ủy ban TVQH cho rằng việc xác định thế nào là “đặc biệt quan trọng” gắn với nội dung từng vấn đề được xem xét, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. Vì vậy, nội dung này nên để QH cân nhắc, xem xét quyết định đối với từng nội dung cụ thể khi có đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của luật này.

Theo quy định, cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và ít nhất quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành. Trường hợp không đủ 3/4 tổng số cử tri đi bỏ phiếu, cuộc trưng cầu ý dân này không thành công và theo quy định tại Điều 9 của luật thì “không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố”.

Luật này sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 1-7-2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm