Cấm ô tô, xe máy vì buýt nhanh

Dự kiến ngày 31-12 tới đây, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Trước đó liên ngành Sở GTVT TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc xin chấp thuận phương án tổ chức giao thông để vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT (từ Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa) và UBND TP Hà Nội đã chấp nhận phương án này.

Cấm hàng loạt phương tiện vào giờ cao điểm

Theo đó, trong các phương án được đưa ra, liên ngành đề xuất cấm hàng loạt phương tiện giao thông khác để nhường đường cho xe buýt nhanh vào giờ cao điểm. Cụ thể, sẽ cấm ô tô khách và ô tô tải (từ 0,5 tấn trở lên)... hoạt động trong giờ cao điểm trên tuyến đường trục phía bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc). Trừ các xe chở học sinh, cán bộ, công nhân viên và xe xử lý sự cố được hoạt động bình thường.

Đối với xe taxi sẽ cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6-9 giờ, chiều 16 giờ 30-19 giờ 30) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương. Trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường.

Với xe máy, xe thô sơ: Cấm đi trên hai cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng trong giờ cao điểm, sáng 6-9 giờ, chiều 16 giờ-19 giờ 30.

Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang BRT nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở GTVT.

Cấm dừng đỗ tất cả phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT. Các phương tiện khi dừng đỗ sẽ chuyển sang các đường ngang giao cắt với tuyến đường BRT chạy.

Ngoài ra, liên ngành sẽ bố trí các điểm trông giữ xe gần các nhà chờ của tuyến buýt BRT để phục vụ nhu cầu của người dân.

Nhà chờ trên tuyến giao thông dành cho xe buýt nhanh Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG

“Coi chừng bất hợp lý”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng việc cấm một số phương tiện vào giờ cao điểm nhằm phục vụ tuyến buýt nhanh là điều bất hợp lý.

Theo TS Thủy, một tuyến giao thông mới mở đồng nghĩa với việc người dân được tham gia giao thông một cách thông thoáng, được chọn phương tiện đi một cách thoải mái. Cấm một số tuyến đường và phương tiện cho thấy việc mở tuyến buýt BRT này có nhiều bất cập.

“Bản chất của xe buýt nhanh là để giảm thiểu ùn tắc và giảm tải giao thông cho Hà Nội, tuy nhiên khi đưa vào hoạt động thì lại cấm các tuyến khác. Cấm ở đây thì phương tiện sẽ phải đổ sang đường khác, sẽ ùn tắc. Hơn thế, nó sẽ gây phiền hà cho người dân. Như vậy đâu còn đạt được mục đích ban đầu đề ra!” - TS Thủy nói.

Vị chuyên gia này chia sẻ thêm, trên thế giới, một số quốc gia (Đài Loan, Ecuador,…) có xây dựng hệ thống xe buýt nhanh tương tự nhưng họ thực hiện trên các trục đường rất rộng, có đủ không gian để phân luồng. Tuy nhiên, buýt nhanh của Hà Nội mở trên các tuyến đường có không gian rất hẹp.

“Việc mở buýt nhanh sẽ giảm ùn tắc, hay chính nó trở thành vật cản, điều này cần phải nghiên cứu kỹ. Như Hà Nội, không gian bề mặt dành cho giao thông vốn đã rất ít, các tuyến đường thường có nhiều ngã tư, phương tiện dày đặc…, xây dựng thêm một tuyến đường riêng sẽ lãng phí không gian và không hiệu quả” - TS Thủy nhận định.

Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa được Hà Nội khởi công đầu năm 2013. Lộ trình: Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm