Cải tiến đáng nể cho người lắp chân giả

Cách đây gần hai năm, anh Nguyễn Hữu Lợi (quê Tiền Giang) bị tai nạn giao thông, phải cắt một chân cụt trên gối. Sau tai nạn, cuộc sống của anh bị xáo trộn hoàn toàn khi chỉ quanh quẩn với đôi nạng gỗ.

Cách đây vài tuần, anh tìm đến Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM để hỏi thăm về lắp chân giả. Anh được anh Nguyễn Đạo Nghĩa, công nhân xưởng chế tạo chân giả, hướng dẫn tập đi với khung chân mới.

Chân giả rẻ hơn chân nhập khẩu

Mấy tuần qua, anh Nghĩa cặm cụi đổ thạch cao, đúc chân, chỉnh sửa cho các chi tiết vừa vặn với cơ thể của anh Lợi. Cuối cùng, anh cố định chân cho anh Lợi bằng một vòng đai ôm quanh hông.

Bữa đầu tiên có chân mới, anh Lợi bặm môi bước một bước, hai bước… thêm vài bước nữa rồi rời khỏi thanh vịn, tự đi khập khiễng. Anh cười rạng rỡ: “Vầy được rồi, mấy bữa nữa đi bộ, chạy bộ được rồi”. Cả phòng tập rộn lên những tiếng cười hạnh phúc.

Vì anh Lợi bị mất đoạn chân khá dài nên được xếp vào ca khó. Chị Lâm Thị Quỳnh Anh, Chủ tịch Công đoàn trung tâm, cho biết: “Ở đây những ca khó nhất hầu hết đều qua tay anh Nguyễn Đạo Nghĩa. Anh ấy là một công nhân lành nghề, mày mò sáng tạo dù không qua trường lớp chính quy nào”.

Anh công nhân Trần Đạo Nghĩa giúp anh Nguyễn Hữu Lợi tập đi bằng chân giả. Ảnh: H.MINH

Trước đó, chiếc khớp kiểu cũ khá nặng, mỗi khi lắp vào khớp hông của bệnh nhân, nó sẽ cộm lên nhìn rất xấu và gây khó khăn khi di chuyển. “Từ khi anh Nghĩa cải tiến thành công khớp hông theo công nghệ nhựa PV, bệnh nhân đeo chân giả vào rất nhẹ nhàng, dễ dàng và thẩm mỹ” - anh Mai Văn Trình, quản đốc xưởng, cho biết.

Vừa qua, trung tâm đã đưa vào sản xuất chiếc khớp hông được cải tiến theo mẫu của anh Nghĩa.

Giá của một chiếc chân giả phức tạp nhất do xưởng tự chế tạo cũng chỉ mất khoảng 6 triệu đồng. Trong khi đó, những loại chân giả tương tự nhập từ nước ngoài có giá 60 hoặc 70 triệu đồng.

Riêng cái khớp hông đã trên 10 triệu đồng. Nhờ những công nhân không ngừng cải tiến, sáng tạo như anh Nghĩa, chân giả do xưởng chế tạo đảm bảo các chức năng không thua gì chân nhập khẩu xịn, trong khi giá thành rất rẻ. Thời gian chế tạo chân giả cũng đã được rút ngắn, tối đa là ba ngày, trước đây làm một chân giả có khớp hông mất khoảng ba tuần.

Cho bệnh nhân một đời sống khác

Mỗi tháng anh Nghĩa phụ trách chế tạo chân cho 20-30 bệnh nhân. Anh cho biết bệnh nhân phần lớn đều là người nghèo: cựu chiến binh, người bị tai nạn giao thông, người bị các bệnh lý khác dẫn đến hoại tử phải cắt chân…

Ngày đầu tiên anh Nghĩa đến xưởng cách đây đã hơn 20 năm. Lúc đó cha anh là một công nhân lành nghề và đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng cũng vì những cải tiến của ông trong chế tạo chân giả. Anh muốn được cha truyền kinh nghiệm làm chân giả cho những cựu chiến binh mất chân trong chiến tranh.

Nhưng bệnh nhân đầu tiên của anh là một phụ nữ lớn tuổi tên Nông, bị tai nạn giao thông đứt lìa chân. Khi thấy mỏm chân cụt của bà, anh Nghĩa sợ đến mức chân tay run lẩy bẩy. Anh nghĩ tới chuyện bỏ việc. Rồi anh tự động viên: Phải vượt qua ca đầu tiên đã, không thể bỏ việc khi chưa làm gì cả! Anh ngồi xuống đo chân cho bà và luôn trấn an: “Cô sẽ đi lại được thôi!”.

Sau vài tuần luyện tập với chân mới, bà Nông trở về quê. Vài ngày sau, bà gọi điện thoại đến xưởng để cảm ơn anh Nghĩa và cho biết là đã đi lại lẹ làng gần như trước kia. Kể từ bữa đó, anh biết mình đã yêu nghề và sẽ theo nghề.

Nhiều bệnh nhân khác gọi cho anh, khoe họ đã chạy bộ, chơi tennis như người bình thường. Có vài bệnh nhân còn quay lại để… mua chân mới bởi họ mang vác quá nặng khiến chân bị mòn.

Anh Nghĩa cho biết trong xưởng của anh trước đây có một số công nhân đã từng đoạt các giải thưởng sáng tạo, họ chính là động lực để anh noi theo, học hỏi. Anh nói: “Khi mình làm chân cho bệnh nhân, mình chỉ nghĩ cái này có thể làm tốt hơn không, có cách nào hay hơn không. Đơn giản vậy thôi”.

Anh Mai Văn Trình, quản đốc xưởng, chia sẻ: “Mỗi bệnh nhân là một trường hợp riêng biệt, nếu có đôi chân vừa vặn họ dễ dàng quay lại cuộc sống bình thường, nếu không thì khuyết tật nặng thêm. Anh Nghĩa làm việc rất có trách nhiệm và tận tình với bệnh nhân”.

Anh Nghĩa cùng 94 công nhân, viên chức, lao động giỏi của TP sẽ được Liên đoàn Lao động TP.HCM khen thưởng trong hôm nay (12-6) vì các thành tích lao động sáng tạo của mình.

Người lao động của Sở GTVT có nhiều sáng kiến

- Anh Nguyễn Trung Thành, chuyên viên Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, có hai sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý vật tư thu hồi của Sở GTVT” và “Chương trình quản lý số liệu tai nạn giao thông trên địa bàn TP” giúp công tác truy cập, tra cứu, quản lý hiệu quả. Các sáng kiến này giúp tiết kiệm ngân sách hằng năm khoảng 400 triệu đồng.

- Anh Hồ Thanh Thanh, Phó Trưởng phòng Quản lý Chiếu sáng cây xanh, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3, có sáng kiến “Áp dụng quy trình chăm sóc công viên cây xanh trên địa bàn” giúp tăng mảng xanh trong TP, tiết kiệm ngân sách chi cho duy tu công viên khoảng 1,5 tỉ đồng/năm.

- Anh Mai Hà Lâm, Phó Trưởng phòng Quản lý Chiếu sáng cây xanh, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4, có giải pháp “Bộ giám sát hoạt động của đèn tín hiệu giao thông qua hệ thống SMS” giúp phát hiện và khắc phục nhanh các sự cố giao thông, tránh kẹt xe, giảm chi phí vận hành… Sáng kiến này giúp tiết kiệm cho ngân sách khoảng 1,7 tỉ đồng/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm