GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP TP.HCM HUỲNH VĂN HẠNH:

Cải cách là phải tiết kiệm nhất cho dân

Ngày 8-7, Sở Tư pháp TP.HCM họp báo định kỳ thông tin tình hình hoạt động của Sở sáu tháng đầu năm và triển khai công tác sáu tháng cuối năm 2016. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp, chủ trì.

Đầu mối để dân phản ánh về thủ tục hành chính

Thông tin tại cuộc họp báo cho hay sáu tháng đầu năm 2016, Sở Tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng nhiều nội dung trong công tác. Trong đó công tác xây dựng thể chế phục vụ chính quyền TP quản lý điều hành và việc rà soát các văn bản pháp luật được làm thường xuyên, có chất lượng. Qua đó đã loại bỏ hoặc kiến nghị loại bỏ được nhiều văn bản hết hiệu lực tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao quản lý nhà nước trên địa bàn TP.

Nổi bật là công tác kiểm soát thủ tục hành chính được Sở triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực, chuẩn hóa các thủ tục hành chính, công bố 304 thủ tục hành chính của các sở, ngành.

Theo quyết định của UBND TP thì Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ đầu mối trong việc tiếp nhận các phản ánh kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính trên địa bàn TP. Trong sáu tháng qua, Sở đã tiếp nhận 438 trường hợp phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính. Trong đó một số ít thuộc phạm vi tiếp nhận của Sở, số còn lại Sở đã chuyển, đề nghị các cơ quan khác giải quyết nhanh chóng cho dân.

Nhờ áp dụng cơ chế liên thông với các cơ quan khác, giấy tờ của người dân đã được giải quyết nhanh chóng hơn. (Ảnh chụp tại Sở Tư pháp TP.HCM chiều 8-7) Ảnh: HTD

Nhiều sáng kiến tiện lợi cho dân

Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh  cho hay: “Với vai trò là tham mưu cho UBND TP, Sở Tư pháp TP luôn tâm niệm rằng muốn cải cách hành chính tốt thì phải thực hiện ngay từ lúc ban hành các văn bản pháp luật và xây dựng quy trình làm việc giảm thiểu tối đa thời gian, công sức và tiền bạc của nhân dân..”. Theo đó, cơ quan chuyên môn của Sở thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản pháp luật và xem đây là nhiệm vụ quan trọng.

Một số công việc với cách làm sáng tạo được Sở áp dụng và thử nghiệm thành công như đề án cấp phiếu lý lịch tư pháp qua đường bưu chính (TP.HCM là nơi áp dụng đầu tiên và Chính phủ đề nghị nhân rộng cả nước). Hay như việc thành lập Trung tâm Thông tin công chứng để kịp thời thông tin cho các tổ chức hành nghề công chứng về tình trạng pháp lý của tài sản chuyển dịch. Việc xác nhận các giấy tờ liên quan đến hộ tịch, quốc tịch cũng có cơ chế liên thông với các cơ quan khác... Mục đích là giúp người dân tiện lợi hơn trong thủ tục hành chính và giúp những quy định của pháp luật phù hợp với cuộc sống.

Liên quan đến việc thực thi chế định thừa phát lại ở TP.HCM, ông Hạnh cho biết chế định này đã và đang đi vào hoạt động ổn định có hiệu quả. Đây là một nghề mới bổ trợ tư pháp giúp người dân có quyền lựa chọn việc thi hành án, góp phần phục vụ nhân dân tốt hơn. Việc Sở giúp cho UBND TP áp dụng thí điểm thành công và luôn đi đầu trong cả nước là một nỗ lực lớn.

Trả lời câu hỏi của báo chí đến chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đại diện Sở cho rằng việc này sẽ giúp người dân thuận tiện hơn nhiều trong các giao dịch, mua bán. Sở đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và đã đưa nội dung này vào chương trình trọng tâm của năm 2016. Hiện nay vẫn triển khai thêm việc thành lập văn phòng công chứng ở một số quận, huyện nữa.

Những kết quả ấn tượng

Sáu tháng đầu năm 2016, Sở Tư pháp TP.HCM đã giúp UBND TP xây dựng chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật với 51 loại văn bản (đã ban hành xong 20 văn bản), góp ý 109, thẩm định 33 dự thảo văn bản, tư vấn pháp lý cho sở, ngành, quận, huyện 106 vụ việc. Sở cũng  đã kiểm tra ba nghị quyết của HĐND TP, 18 quyết định do UBND TP ban hành (trong đó phát hiện hai quyết định có dấu hiệu vi phạm về hiệu lực thi hành)…

Về công tác hộ tịch, quốc tịch Sở Tư pháp đã triển khai đăng ký khai sinh kết hợp với mã số định danh cho hơn 27.000 bé. Giải quyết 168 hồ sơ quốc tịch, 34 hồ sơ con nuôi, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho hơn 433 trường hợp.

Công tác trợ giúp pháp lý ngày càng được đẩy mạnh hướng đến các đối tượng yếu thế như trẻ em, người nghèo, công nhân… Đã có hơn 5.600 vụ việc với số người tương đương được trợ giúp pháp lý, 12 cuộc trợ giúp lưu động tại các quận, huyện trong TP.

Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã gần dân hơn. Hơn 10.000 cuộc phổ biến pháp luật với hơn 1 triệu lượt người tham dự đã diễn ra, các cuộc thi về tìm hiểu pháp luật, đố vui, tọa đàm được tổ chức thường xuyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm