Các trò hô biến khiến tài sản nhà nước ‘bốc hơi’ dữ dội

Ngày 28-5, Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ra lo lắng với tình trạng thất thoát tài sản nhà nước trong CPH, đặc biệt là lợi dụng CPH để thâu tóm đất vàng…

Mua thì đắt, bán lại rẻ

Một trong những tồn tại lớn được nhiều ĐB mổ xẻ là vấn đề định giá tài sản, định giá DN thiếu chính xác, còn nhiều thiếu sót. “Có một thực trạng tài sản nhà nước mua vào thì luôn bị đánh giá cao lên, còn tài sản nhà nước bán ra luôn có xu hướng bị định giá thấp đi, thực tế này diễn ra không phải ít trong thời gian qua” - ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhận định.

Theo ĐB Lịch, lỗ hổng này khiến tài sản nhà nước bị thất thoát trong quá trình CPH DNNN do giá trị DN bị định giá thấp hơn giá trị thực tế. Nhiều giá trị tài sản vô hình như thương hiệu DN, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền, giá trị đất đai ở một số vị trí đắc địa không được đánh giá đúng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều DN bị bán với giá bèo bọt.

“Để khắc phục hạn chế này, theo tôi không cách nào hay hơn là phải công khai, minh bạch mọi việc mua bán tài sản nhà nước, nếu được công khai trên thị trường với giả định loại bỏ được các yếu tố lũng đoạn chi phối thì sẽ thể hiện được giá trị thực, có như vậy mới không bị lãng phí, không phát sinh tiêu cực, tham nhũng thất thoát” - ĐB Lịch nói.

Dẫn chứng kết quả kiểm toán ở 17 DN trong giai đoạn 2012-2016 với việc kiến nghị điều chỉnh tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tới hơn 22.300 tỉ đồng, các ĐBQH nhấn mạnh “kẽ hở trong định giá DN” là một trong những nguyên nhân chính khiến tài sản nhà nước bị bòn rút, thất thoát.

Trước nghịch lý “tài sản nhà nước mua vào thì đắt, bán ra thì rẻ”, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta đã có cơ chế, có một tổ chức định giá độc lập, có một tổ chức đấu giá độc lập nhằm minh bạch hóa việc mua bán tài sản nhưng vẫn xảy ra tình trạng mua đắt, bán rẻ?”.

Trong khi ĐBQH Leo Thị Lịch, Hoàng Văn Cường chỉ ra chiêu trò trong việc mua đắt, bán rẻ thì ĐB Trương Trọng Nghĩa (phải)  lại chỉ ra cách “hô biến” đất vàng từ tay Nhà nước lọt vào túi tư nhân. Ảnh: QH

Theo ông Cường, sở dĩ có sự kỳ lạ đó là do định giá của cơ quan tư vấn thường rất sát so với giá khi mang ra đấu giá tài sản. Các tổ chức tư vấn đấu giá, định giá cũng thường được lựa chọn “lặp đi lặp lại” nhưng dường như cơ quan nhà nước không biết việc này.

“Thực tế những tổ chức làm tư vấn định giá, tư vấn đấu giá khi định giá sai, thẩm định giá sai, đấu thầu vi phạm thì không bị xử lý. Tệ hại hơn là khi DN thua lỗ bán tài sản máy móc, thiết bị thì đây lại là một cơ hội làm ăn béo bở cho một nhóm người giống như hình ảnh “kền kền ăn xác chết”” - ĐB Cường nói.

Trước thực trạng này, ông Cường đề nghị phải thanh tra, kiểm tra các vụ việc bán tài sản nhà nước, nhất là xử lý các tổ chức thực hiện chức năng về định giá, thẩm định giá, tổ chức đấu giá nếu có hành vi tiếp tay làm thất thoát tài sản nhà nước.

Ai bỏ bị đất vàng, đất kim cương?

Một lỗ hổng khác trong quá trình CPH DNNN được các ĐB chỉ ra là giá trị quyền sử dụng đất không được tính vào giá trị DN khi CPH. Điều này dẫn tới câu chuyện nhóm lợi ích lợi dụng chủ trương CPH để thâu tóm đất vàng, đất kim cương.

ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho hay theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các tập đoàn tổng công ty nhà nước khi thực hiện CPH giai đoạn 2011-2015 đều không tính giá trị lợi thế đất vào giá trị DN. “Một số DN có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị lợi thế đất vào giá khởi điểm để đấu giá” - ông Sơn nói.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nói: “Nhiều DN sở hữu nhiều mảnh đất vàng, giá trị hiện tại của những tài sản trên đất có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị ghi sổ. Nhưng trong các báo cáo của một số DN về giá trị tài sản của mình, họ vẫn theo giá trị ghi sổ. Điều này dẫn đến tình trạng lợi dụng CPH và mục tiêu là khu đất DN đang sở hữu, lũng đoạn giá trong việc mua bán tài sản đất công như trong thời gian qua”.

Về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phân tích vấn đề đất đai và mặt bằng của các DN CPH hiện nay rất sơ hở, rất lỏng lẻo.

“Giao đất cho DN thuê đất hằng năm nhưng DN đó vẫn tiếp tục giữ lại mặt bằng, giữ lại đất, nhất là những dự án dở dang. Khi CPH xong trở thành một DN có một phần vốn tư nhân, họ vẫn giữ lợi thế đó. Thế nhưng lợi thế đó lại không được quy ra cái gì và đây trở thành lợi thế riêng của DN này và trở thành lợi ích trực tiếp của một số người” - ông Nghĩa nói.

Giải trình về các vấn đề trên, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết trước khi có Nghị định 01/2017 (sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai) thì phương án rà soát quỹ đất đai, sử dụng đất của các DN chưa được xem xét. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc tính toán giá trị DN lại không tính được giá trị từ đất đai.

Theo ông Hà, thực tế khi giao đất cho DNNN, chủ yếu giao đất không thu tiền sử dụng hoặc thu tiền sử dụng hằng năm nên việc thu ngay tiền của DN vào giá trị là không thể.

Trên tinh thần đó, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định 01/2017, trong đó quy định phương án sử dụng đất khi CPH DNNN và tiến hành thanh tra, kiểm tra. Bộ trưởng Hà cũng cho biết hiện đang tiến hành thanh tra các dự án có đất vàng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xem xét, xử lý theo quy định. “Nếu làm tốt việc này, thất thoát nguồn lực đất đai trong xác định giá trị DN sẽ giảm thiểu” - ông Hà cho hay.

Giá trị Tổng Công ty Vận tải thủy VN bằng một căn nhà ở Hà Nội?

Giải trình trước QH chiều nay (28-5), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng chủ trương cổ phần là “đúng đắn, buộc phải thực hiện và nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả cao”. Theo ông Thể, hầu hết DNNN thuộc ngành giao thông sau CPH đều có lãi, năng lực tài chính tốt hơn.

Thông tin của Bộ trưởng Thể đưa ra đã bị ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận lại. Cụ thể, ĐB Nhưỡng nêu vụ CPH Tổng Công ty Vận tải thủy Việt Nam mà ông từng kiến nghị tổng Thanh tra Chính phủ thanh tra, kiểm tra vào kỳ họp thứ 3 QH khóa 14.

Ông hỏi: Tại sao 10 DNNN với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của Nhà nước mà chỉ định giá 327 tỉ đồng, tức chỉ tương đương một căn nhà tại phố cổ Hà Nội. Điều này đã khiến rất nhiều người bức xúc và người đứng đơn trực tiếp tố cáo là nguyên bí thư Đảng ủy, giám đốc cảng Hà Nội.

“Nhưng vừa qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, người ta rất bất bình vì cho rằng không có vấn đề gì xảy ra. Thậm chí còn nói rằng không tiếp cận nổi các tài liệu về CPH, quên cả nhà đầu tư chiến lược, thậm chí bây giờ tài sản không những hạ giá thấp mà lại còn có vấn đề để ra ngoài khối tài sản khác, không đưa vào CPH, giống như loại quỹ đen” - ĐB Nhưỡng nói.

T.PHÚ 

Phải xử lý trách nhiệm đến cùng

Với cơ chế quản lý như hiện nay dễ dẫn đến tình trạng có sự cố tình làm sai và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư. Điển hình là trong 12 dự án thua lỗ và kém hiệu quả trong thời gian qua.

Điều này phản ánh tình trạng quản lý vốn nhà nước cũng như quản trị của DNNN của chúng ta đúng với thực trạng đã thấy. Vì vậy, không chỉ cán bộ các DNNN có trách nhiệm mà bản thân cán bộ quản lý của các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả đối với trách nhiệm có mức độ xử phạt hình sự.

Bộ trưởng Công Thương TRẦN TUẤN ANH

Phải quản lý chặt việc sử dụng đất sau cổ phần hóa

Trong quá trình CPH DNNN, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN là rất quan trọng. Và quan trọng hơn là sau CPH, chính quyền địa phương nơi DN có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt là mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khi DN có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại, phù hợp với quy hoạch xây dựng thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho Nhà nước với giá trị cao nhất.

Chúng tôi cho rằng trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý đất đai.

Bộ trưởng Tài chính ĐINH TIẾN DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm